Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ

Mưa lũ thường gây ra những tác động xấu đến môi trường sống và sức khỏe con người. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh bùng phát và lây lan như tiêu chảy, sốt xuất huyết, thương hàn, mắt đỏ và bệnh ngoài da... Nếu không có các biện pháp phòng chống và ứng phó tốt thì rất dễ bùng phát thành dịch. Để giúp người dân đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa mưa lũ, ngành Y tế và các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

 Vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh

Vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh

Xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng là địa bàn vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt. Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa, Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân xã đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thiên tai trong mùa mưa lũ, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lí môi trường, xử lí nước sinh hoạt, nhất là thực hiện ăn chín uống sôi nhằm chủ động phòng chống bệnh trước, trong và sau mùa mưa lũ. Ông Lê Văn Vinh, Trưởng thôn An Thơ, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, cho biết: “Vào mùa mưa lũ, địa phương chúng tôi thường bị ngập dài ngày, giao thông bị chia cắt. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa chúng tôi đã tuyên truyền, huy động bà con đồng loạt ra quân làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lấp các nơi có ao tù, nước động; dọn dẹp các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước; chuẩn bị đầy đủ các lương thực, thực phẩm, nước uống… khi mùa mưa lũ đến”.

Không chỉ huyện Hải Lăng, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những dịch bệnh do mưa lũ gây ra. Để chủ động phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, ngay từ đầu năm, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai kế hoạch, phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và không để dịch bệnh xảy ra. Với sự triển khai kịp thời, đến nay, các đơn vị trong ngành Y tế từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch. Trong mùa mưa bão, các mầm bệnh có thể theo nước lan đi khắp nơi, làm tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lị, thương hàn…

Chính vì vậy, các đơn vị trong ngành Y tế đã phối hợp với địa phương chủ động kiểm tra việc cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất phương tiện, công tác kiểm tra trong và sau lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Đặc biệt, trước nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết sau mùa mưa lũ, ngành Y tế đang chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thông qua tờ rơi, buổi truyền thông trực tiếp hay phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc phòng, chống sốt xuất huyết. Huy động chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, úp các dụng cụ chứa nước, hạn chế môi trường ẩm để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm tại vùng có ổ bệnh, vùng nguy cơ, khu dân cư, địa điểm công cộng; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành…

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Hân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư y tế; thành lập các tổ cấp cứu, tổ xử lí dịch, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt là những vùng bị ngập úng, những địa phương có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lí kịp thời; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng nhằm giúp người dân biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Mưa lũ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Đất đá và đồ vật, các công trình vệ sinh và cống rãnh, gia súc và xác động vật, thực vật ngập chìm trong nước nên môi trường nước bị ô nhiễm, mầm bệnh rất dễ lây lan vào chuỗi thức ăn và xâm nhập cơ thể người. Chính vì vậy, sau mưa lũ, một số dịch bệnh có thể xảy ra như các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh về da và đau mắt đỏ. Ngoài việc chủ động phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường nơi ở, quanh khu vực sinh sống, ăn chín uống sôi, thường xuyên vệ sinh để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rất có thể bùng phát sau mưa lũ.

Thái Dương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142637