Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

PTĐT - Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) bùng phát và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng 'dịch chồng dịch', công tác phòng, chống dịch bệnh CGC đang được các địa phương tập trung thực hiện.

Gần 2 vạn gà thịt trong trang trại ông Nguyễn Đức Tài, khu 3, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy đều được tiêm vắc xin đầy đủ

Gần 2 vạn gà thịt trong trang trại ông Nguyễn Đức Tài, khu 3, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy đều được tiêm vắc xin đầy đủ

Thời gian qua, do thiệt hại từ bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi gia cầm nên số lượng đàn gia cầm của tỉnh tăng khá nhanh. Hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 15,8 triệu con, đứng đầu các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Để chủ động ngăn chặn nguy cơ mắc dịch cúm, trạm chăn nuôi và thú y các huyện đã tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng, phân công trách nhiệm cho cán bộ địa bàn trong việc giám sát khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh. Phối hợp chẩn đoán và điều trị bệnh động vật định kỳ, lấy mẫu giám sát sự lưu hành virus cúm để phát hiện chủng virus mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lâm Thao cho biết: Huyện đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch cho đàn gia cầm như: Cấp hóa chất để phun tiêu độc khử trùng tại các chợ dân sinh, cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm chết phải báo ngay với thú y cơ sở để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, bán tháo gia cầm.

Ông Bùi Quang Hiệu ở khu 2, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Ông Bùi Quang Hiệu ở khu 2, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi với số lượng lớn đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng, tránh dịch. Là hộ dân chăn nuôi gia cầm nhiều năm, ông Nguyễn Đức Tài, khu 3, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy bộc bạch: “Để phòng ngừa dịch CGC trên đàn gà nuôi công nghiệp, tôi thường tiêm ngừa cho đàn gà định kỳ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và theo kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho gà trong giai đoạn giao mùa. Ngoài việc tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin, tôi còn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, làm chuồng trại hoàn toàn khép kín và có hệ thống tưới nước tự động…”.Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống dịch là thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc mua con giống, chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp. Tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống đặt không đúng nơi quy định, giết mổ gia cầm ngay tại chợ dân sinh, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Đáng ngại, một số chủng CGC có thể lây nhiễm sang người.

Nhằm chủ động ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh CGC, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh CGC và các chủng vi rút CGC lây sang người.

Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại để phòng, tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại để phòng, tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Ông Nguyễn Tất Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút CGC, các ổ dịch mới phát sinh (nếu có), không để lây lan ra diện rộng và kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; gia cầm, sản phẩm làm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm nấu chín, không ăn tiết canh...

Bảo Khánh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202103/tang-cuong-phong-chong-dich-cum-gia-cam-tren-dia-ban-tinh-175751