Tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Trong hơn 1 tháng qua, Lào Cai đã ghi nhận 6 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là các ca bệnh ngoại lai (người dân đi về từ vùng dịch hoặc các địa phương khác). Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố khác, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
Bà Trần Thị N (phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai) sau khi đi du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh về có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban. Ngay sau đó, bà đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Kết quả test nhanh cho thấy bà bị nhiễm vi-rút Dengue.
Anh Đỗ Khánh Đ (thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà) cũng bị nổi ban, xuất huyết toàn thân sau chuyến đi du lịch Mũi Né (tỉnh Bình Thuận). Sau khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, các biểu hiện đã giảm dần, không có biến chứng.
Ca bệnh ghi nhận gần nhất là ngày 6/7, chị Sùng Thị D (xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương) cũng có triệu chứng và kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết dù không đi ra khỏi nhà kể từ một tháng trở lại đây. Kết quả điều tra của y tế cơ sở cho thấy trong khu vực không có muỗi gây bệnh, giám sát đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Bên cạnh việc điều tra cộng đồng, ngành y tế cũng tổ chức phun hóa chất trừ muỗi tại nhà bệnh nhân, giám sát muỗi truyền bệnh tại các huyện, thành phố, thị xã ghi nhận ca mắc và đẩy mạnh khuyến cáo phòng bệnh trong nhân dân.
Bệnh sốt xuất huyết nằm trong danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo cáo từng trường hợp bệnh ngay sau khi có chẩn đoán, đảm bảo không muộn quá 24 giờ. Những người sống hay đến từ vùng có ổ dịch, vùng lưu hành sốt xuất huyết, trong vòng 14 ngày có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày và có một số biểu hiện như xuất huyết, nhức đầu, chán ăn, đau cơ, đau khớp, vật vã, li bì… là các ca bệnh giám sát. Việc giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết là rất cần thiết, giúp đảm bảo việc điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng và triển khai sớm các biện pháp phòng dịch để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hiện nay, các địa phương đã huy động cán bộ, nhân viên các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là cộng đồng tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Vừa qua, đoàn viên, thanh niên thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) đã tham gia vệ sinh gần 1 km đường giao thông nông thôn, khơi thông cống, rãnh. Không chỉ vậy, đoàn viên, thanh niên còn vận động người dân vệ sinh nhà ở, vườn, phát quang bụi rậm, loại bỏ vật dụng phế thải và chủ động vệ sinh các vật dụng chứa nước, lấp các vũng nước đọng quanh nhà.
Anh Hàng Seo Của, Bí thư Đoàn xã Hoàng Thu Phố cho biết: Hoạt động vệ sinh môi trường nông thôn được chúng tôi phát động, tổ chức thường xuyên tại các thôn, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ lây nhiễm.
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Hoàng Thu Phố trong thời gian này cũng chủ động bám nắm địa bàn phụ trách. Chị Hoàng Linh Chi, Trưởng Trạm Y tế đã triển khai các hoạt động phòng dịch trong buổi họp giao ban và vận động y tế thôn, bản làm tốt vai trò tuyên truyền, giám sát, theo dõi sức khỏe người dân.
Ngày 28/7, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3421 chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng trên địa bàn. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Y tế cần chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh và giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, bảo đảm về cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, dịch truyền, trang - thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy); phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch (nếu có), khu vực có nguy cơ cao, tại trường học và cộng đồng. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị cần tích cực tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Ông Phạm Văn Chiến, Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nguy cơ lây nhiễm dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là rất lớn bởi mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy phát triển. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên người dân giao lưu, đi lại nhiều, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt. Chính vì vậy, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt khi đi du lịch, đặc biệt ở những nơi đang có dịch bệnh lưu hành, như thoa kem chống muỗi, ngủ màn... để tránh nhiễm bệnh. Các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tâm lý chủ quan, lơ là. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358938-tang-cuong-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet