Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Thời gian nghỉ hè, trẻ được nghỉ học, vui chơi, song đôi khi lại thiếu sự giám sát của người lớn. Điều này ẩn chứa nhiều nguy hiểm có thể xảy với con trẻ, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những tai nạn thương tích, gây ra cho trẻ những thương tổn cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Tai nạn thương tích thường xảy ra ở trẻ em và lứa tuổi thanh, thiếu niên do các em tuổi còn nhỏ, hiếu động, tò mò, nghịch ngợm cũng như chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Tai nạn thương tích thực tế luôn là những sự việc bất ngờ xảy ra, tùy từng độ tuổi, môi trường sống mà trẻ có nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Từ thực tế cho thấy, các bệnh viện, trung tâm y tế thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… với các mức độ khác nhau. Với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường gặp các tai nạn như bỏng, hóc dị vật, tự ngã, chẹt tay chân vào cửa, cầu thang... Đối với trẻ từ 6 - 15 tuổi thường gặp các tai nạn về giao thông, điện giật, ngã gãy tay, chân... Trường hợp tổn thương nặng có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần ở trẻ.

Cháu L.V.H., 8 tuổi (Hòa An) được theo dõi, điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh.

Cháu L.V.H., 8 tuổi (Hòa An) được theo dõi, điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh.

Giữa tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân L.V.H., 8 tuổi (Hòa An) nhập viện sau khi bị tự ngã rách mi mắt. Theo người nhà của bé cho biết, do đường trơn trượt nên cháu bị trượt ngã dẫn đến rách mi mắt. Sau khi nhập viện cháu được gây mê để khâu vết rách và tiếp tục được theo dõi điều trị. Một trường hợp tai nạn sinh hoạt khác cũng do không may tự té ngã được điều trị tại bệnh viện là trường hợp cháu V.N.C trong lúc chơi đùa bị ngã gãy xương ở cẳng tay phải đã được nhập viện điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình.

Ngày 25/6/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục tiếp nhận cháu C.M.T., 19 tháng tuổi, xóm Xà Phìn, xã Xuân Trường (Bảo Lạc) với vết bỏng tại vùng mặt, ngực. Theo bố, mẹ cháu: Gia đình nấu canh để trên bàn cao, em bé hiếu động với tay lấy sau đó bát canh nóng úp vào mặt gây bỏng. Sau khi nhập viện, bé được các bác sĩ chẩn đoán bỏng độ III với diện tích 30% và có chỉ định chuyển tuyến ngay để được điều trị tốt nhất.

Bên cạnh những tai nạn trên, đuối nước cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, đặc biệt là vào mỗi dịp hè. Vừa qua, ngày 29/6/2024 xảy ra vụ việc cháu L.T.N. (sinh năm 2012), ở huyện Quảng Hòa bị mất tích ven bờ sông Hiến, thuộc khu vực bãi tắm Nà Gà, tổ 5, phường Hòa Chung (Thành phố). Theo đó, cháu N. được nghỉ hè nên ra chơi nhà bà ngoại tại phường Duyệt Trung. Chiều 29/6/2024, cháu xin phép đi chơi cùng một số bạn ở bờ sông sau đó mất tích. Người nhà tìm kiếm không thấy đã báo Công an phường và chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, tìm kiếm. Các ngành chức năng sau đó huy động lực lượng, phương tiện cùng người dân tìm kiếm liên tục trong đêm tại khu vực cháu N. mất tích. Đến sáng 30/6/2024, lực lượng cứu hộ phát hiện thi thể cháu N. trên sông Hiến, thuộc khu vực tổ 5, phường Hòa Chung (Thành phố), cách vị trí mất tích khoảng 1 km.

Tăng cường cho trẻ tham gia các lớp học bơi trong dịp hè để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Tăng cường cho trẻ tham gia các lớp học bơi trong dịp hè để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho trẻ, theo đó, nhiều mô hình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ được triển khai. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em được tăng cường thực hiện thông qua tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, trường học, khu dân cư và các nền tảng mạng xã hội. Hoạt động ngoại khóa giáo dục về kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, thanh, thiếu niên, học sinh như: kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ… được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, thường xuyên triển khai tuyên truyền, nhất là vào kỳ nghỉ hè.

Công tác xã hội hóa phòng, chống đuối nước cho trẻ em nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức xã hội, cá nhân với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Để giảm tỷ lệ tai nạn và tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè, trước thềm năm học mới, bên cạnh sự vào cuộc của toàn xã hội, các bậc phụ huynh cũng cần nêu cao trách nhiệm, vai trò của mình. Cha mẹ và người thân cần giám sát con em mình thường xuyên, không để trẻ chơi những trò nguy hiểm, leo trèo ở những nơi không an toàn; giáo dục trẻ không được vui chơi hay bơi lội ở sông, hồ, ao khi không có người lớn trông coi. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên tự trang bị cách sơ cấp cứu cơ bản để có thể ứng phó với những tình huống bất trắc xảy ra, dành thời gian giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm xung quanh. Nếu trẻ gặp phải tai nạn thương tích, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lí, điều trị.

Thùy Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-cho-tre-em-3171085.html