Tăng cường phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão

UBND tỉnh ban hành Công văn số 1578/UBND-KTN ngày 12/9/2023 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.

Nước thải từ nhà kho bị cháy của Công ty TNHH MTV Long Xuân (xóm Đễnh, Mông Hóa, TP Hòa Bình theo nước mưa tràn ra ruộng làm nhiều diện tích lúa của xóm Đồng Giang, xã Mông Hóa bị hỏng nặng.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn; công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Theo chức năng, phạm vi, địa bàn quản lý nhà nước chỉ đạo rà soát, đánh giá, dự báo các sự cố, rủi ro về môi trường do thiên tai có thể xảy ra; chủ động xây dựng các phương án, nguồn lực (ưu tiên nguồn lực tại chỗ) để ứng phó các sự cố môi trường do thiên tai, tai biến địa chất có thể xảy ra đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật về cấp, thoát nước; các công trình về xây dựng, giao thông, nhất là các công trình đang thi công; công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi; các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tập trung rà soát các kho chứa hóa chất, kho chứa xăng dầu, các công trình điện, công trình xử lý nước thải tập trung, công trình xử lý chất thải,… cần ưu tiên bảo vệ các nguồn nước phục vụ sinh hoạt; thường xuyên theo dõi diễn biến về lượng mưa, thủy văn, các dạng hình thái thời tiết phức tạp để có biện pháp thông báo, điều tiết kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp.

Chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và khoản 2, Điều 109, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Giao Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh: Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và khoản 2, Điều 109, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Đối với các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Các cơ sở có các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất…chủ động thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Trong đó tăng cường công tác rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lũ lụt gây ra.

Nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa.

Tăng cường kiểm tra các hồ chứa chất thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải, đặc biệt các bãi thải, hồ chứa quặng đuôi của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất; bãi lưu giữ chất thải rắn của các nhà máy thủy điện và cơ sở xử lý chất thải; hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đập do mưa lớn, lũ lụt...

Đầu tư công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ cho ứng phó sự cố môi trường; kịp thời thông tin về sự cố môi trường đến các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện tổ chức ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật

Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tình hình mưa bão, lũ lụt để xả thải các chất thải chưa qua xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

P.L (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/181786/tang-cuong-phong-ngua,-ung-pho-cac-su-co-moi-truong-tr111ng-mua-mua-bao.htm