Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản
Việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi nhậm chức cho thấy, Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến trước tiên trong chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng trước là minh chứng rõ nét, cho thấy mối quan hệ tốt đẹp, thực chất và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chuyến thăm kéo dài 3 ngày này, vì thế sẽ tạo nền tảng quan trọng để hai bên thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, được các nhà lãnh đạo hai nước dày công vun đắp trong hơn 4 thập kỷ qua.
Trước tân Thủ tướng Suga Yoshihide, Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo trong lần thứ hai đắc cử Thủ tướng hồi năm 2012, cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài của mình. Điều này cho thấy, Chính phủ Nhật Bản thực sự rất coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Có thể nói, trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển rất nhanh chóng.
Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam sang thăm (năm 1995), cũng là nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhật Bản còn là nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và là nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Ngoài các quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực du lịch, giáo dục, lao động…, gần đây là những hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong phòng chống Covid-19, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, với tổng giá trị cho vay đến cuối năm 2019 tương đương 23,76 tỷ USD; là nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế, với trên 59,8 tỷ USD); là đối tác du lịch thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm đạt trên 28,6 tỷ USD...
Ở góc độ đa phương, mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản đặt trong tổng thể hợp tác với ASEAN, với Tiểu vùng Mekong, hợp tác trong khuôn khổ RCEP, CPTPP… cũng ngày càng được tăng cường và mở rộng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ là cơ hội to lớn để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Nhưng hơn thế, trong bối cảnh đặc biệt hiện tại - thế giới đang gồng mình phòng chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19, chuẩn bị các phương án hồi phục kinh tế, cũng như đang thực hiện các chính sách nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng - chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide còn hứa hẹn mở ra định hướng hợp tác mới, sâu rộng và thực chất hơn.
Đó có thể là những hợp tác trong ngăn chặn đại dịch, trong thực thi các biện pháp để phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19, trong nối lại giao thương, đi lại của người dân hai bên, thực tập sinh và doanh nghiệp. Hiện tại, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản là 430.000 người. Số lượng người Nhật Bản đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam cũng rất lớn. Vì Covid-19, việc đi lại của người dân, thậm chí là chuyên gia còn khó khăn, du lịch cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Đó có thể là tăng cường hợp tác đầu tư trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang có nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển sản xuất về Đông Nam Á, mà ở đó, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn hàng đầu. Và có thể còn là những thảo luận hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực và quốc tế, bởi Việt Nam hiện là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chắc chắn, trong chuyến công du của Thủ tướng Suga Yoshihide tới Việt Nam, sẽ có nhiều vấn đề quan trọng được hai bên tập trung thảo luận, từ đó đưa ra những quyết sách để tăng cường thúc đẩy hợp tác, dựa trên sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Tất cả đều vì tương lai phát triển thịnh vượng của hai quốc gia.