Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Chiều 1/8 (giờ địa phương), trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu chính sách tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới (ICWA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới (ICWA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới (ICWA).

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng bày tỏ, nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước Ấn Độ đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rất vinh dự được phát biểu trước Quý vị tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới (ICWA) - nơi tiên phong trong việc định hình tầm nhìn đối ngoại của Ấn Độ suốt hơn 7 thập kỷ qua. Cũng chính từ khán phòng này, nhiều sáng kiến, ý tưởng về đối ngoại của Ấn Độ đã được khởi xướng, đóng góp tích cực cho hòa bình và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, tại Ngôi nhà Sapru này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, mà nổi bật là Hội nghị Quan hệ châu Á lần thứ nhất năm 1947, đặt nền móng cho sự ra đời của Phong trào Không liên kết (NAM) sau này.

Thủ tướng chân thành cảm ơn Hội đồng đã tổ chức cuộc trao đổi đầy ý nghĩa này. Sự hiện diện của đông đảo của quý vị, nhất là các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các bạn sinh viên Ấn Độ là minh chứng sinh động cho sự quan tâm sâu sắc của các bạn dành cho Việt Nam và quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, một lần nữa Thủ tướng xin cảm ơn chân thành về tình cảm và sự sẻ chia sâu sắc mà các nhà Lãnh đạo Ấn Độ và Nhân dân Ấn Độ đã gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà Lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Việt Nam và là một người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ. Đây chính là hiện thân của tình đoàn kết mạnh mẽ và hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước chúng ta.

Đến với Ấn Độ trong chuyến thăm này, chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc về những thành tựu vĩ đại của nền văn minh sông Hằng và sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ ngày nay.

Đó là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Ngôi đền Taj Mahal, con số “0” và số thập phân cùng hai bộ Sử thi Ramayana và Mahabharata là những di sản lớn lao mà người Ấn Độ cổ đại đã để lại cho nhân loại.

Đó là tư tưởng “Thống nhất trong đa dạng” đã làm nên bản sắc của Ấn Độ, như nhà lãnh đạo kiệt xuất Nê-ru đã từng nói “Ấn Độ tự thân là một thế giới - nơi hội tụ những đa dạng vĩ đại và tương phản vĩ đại”.

Đó là kỳ tích của một dân tộc đã vượt qua “thời khắc định mệnh”, “bước qua ngã rẽ để viết nên những trang sử mới”, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và đang vươn lên thành một “cực” quan trọng trong thế giới đa cực đang được định hình.

Cách đây 66 năm, trong chuyến thăm lịch sử đến Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam đã khẳng định “Ấn Độ là một nước độc lập, hùng mạnh, đã có nhiều cống hiến quý báu cho hòa bình châu Á và thế giới”, và “sự thành công của Ấn Độ trong xây dựng đất nước là nguồn cảm hứng to lớn đối với Việt Nam”. Những nhận định đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày nay, Ấn Độ đang phát huy vai trò ngày càng lớn hơn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới; tiếp tục là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nước, trong đó có Việt Nam trên bước đường phát triển của mình.

Với tinh thần đó, tại buổi trao đổi này, Thủ tướng mong muốn chia sẻ với quý vị về 3 nội dung chính: Tình hình thế giới và khu vực; Chủ trương, đường lối, chính sách, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các vấn đề Thế giới (ICWA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các vấn đề Thế giới (ICWA).

Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới hiện nay đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Đánh giá khái quát: về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Trong đó nổi lên 6 cặp mâu thuẫn lớn, đó là: Giữa chiến tranh và hòa bình; Giữa cạnh tranh và hợp tác; Giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; Giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; Giữa phát triển và tụt hậu; Giữa tự chủ và phụ thuộc.

Thủ tướng nêu rõ, thế kỷ 21 là thế kỷ của Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương nhưng khu vực này cũng đứng trước những rủi ro, thách thức lớn từ các điểm nóng, xung đột cục bộ, cạnh tranh nước lớn.

Những vấn đề mang tính toàn cầu trên đây cần phải có tư duy toàn diện, tổng thể, đòi hỏi tất cả các nước, các thể chế đa phương hơn lúc nào hết phải kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng để tìm ra các giải pháp hữu hiệu mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu. Trong đó, mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ cần không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu. Là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, Việt Nam và Ấn Độ cần:

Cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, đa cực, đa trung tâm, “thống nhất trong đa dạng”; ưu tiên đối thoại, hợp tác và các biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Cùng đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế, thay vì hành xử đơn phương và chủ nghĩa cường quyền, vị kỷ. Cùng ủng hộ và nỗ lực cho một Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng và bao trùm, tự do và rộng mở; trong đó không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một cộng đồng dân cư nào, không một ai bị bỏ lại phía sau.

Về tầm nhìn và triển vọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam Việt Nam-Ấn Độ, Thủ tướng nêu rõ, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ đã đi qua chặng đường hơn nửa thế kỷ nhưng mối giao lưu mật thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ bắt nguồn từ hơn 2000 năm trước.

Đó là khi các tăng sĩ và thương nhân người Ấn Độ đưa Phật giáo đến Việt Nam. Những tư tưởng bình đẳng, bác ái, vô ngã, vị tha của Phật giáo đã theo đó trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.

Đó là khi sự giao thoa giữa hai nền văn hóa in đậm dấu ấn ở các tháp Chàm cổ kính ở miền Trung Việt Nam, trong đó có Thánh địa Mỹ Sơn, nơi ngày nay đã trở thành Di sản văn hóa thế giới. Đó là khi cộng đồng người Ấn Độ ở miền Nam Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, trở thành một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Không chỉ khởi nguồn từ những giá trị tương đồng, sâu sắc về văn hóa, Việt Nam và Ấn Độ còn đến với nhau từ sự đồng cảm, ủng hộ và cùng chia sẻ những lý tưởng chung trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc.

Năm 1946, thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập với niềm tin: “sợi dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta”.

Cách đây 70 năm, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Việt Nam, ngay khi thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng (tháng 10/1954). Cho đến tận hôm nay, hình ảnh hàng triệu người dân Ấn Độ hô vang khẩu hiệu “Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ” sẽ mãi mãi là dấu ấn không phai mờ về sự ủng hộ trong sáng, vô tư, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam.

Trải qua chặng đường lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Ấn Độ đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất. Ấn Độ là một trong ba Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam (2007) (sau Nga và Trung Quốc). Việc hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện (2016) là dấu mốc lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp hiện nay, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.

Trên cơ sở đó, trong chuyến thăm lần này, tôi và Ngài Thủ tướng Narendra Modi đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với phương hướng “Năm hơn”, bao gồm: (1) Tin cậy chính trị- chiến lược cao hơn; (2) Hợp tác quốc phòng-an ninh sâu sắc hơn; (3) Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; (4) Hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; (5) Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn.

Để cụ thể hóa phương hướng “Năm hơn” đó, Thủ tướng đề xuất một số ưu tiên sau:

Một là, củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong giai đoạn mới. Ngài Thủ tướng Mô-đi đã nhiều lần nhấn mạnh “lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển”. Lòng tin đó cần duy trì qua trao đổi và tiếp xúc cấp cao thường xuyên; tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh; triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết cấp cao trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”.

Hai là, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ. Hai nước cần sớm xem xét đàm phán một thỏa thuận hợp tác kinh tế-thương mại mới; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam mong Ấn Độ sẽ có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là kết cấu hạ tầng, kết nối hàng không, hàng hải, năng lượng, dầu khí.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc. Lãnh tụ Ấn Độ Gandhi từng nói: “Không có con đường nào dẫn đến hòa bình, hòa bình chính là con đường”. Chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, minh bạch, bình đẳng và khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, cân bằng, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế, với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Chúng ta cũng sẽ hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ chính sách “hành động hướng Đông” của Ấn Độ, cùng nhau nâng cao tiếng nói, vai trò của các nước đang phát triển.

Bốn là, chủ động đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức toàn cầu. Việt Nam ủng hộ và sẽ tham gia tích cực vào Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), góp phần nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác Mê Công-Sông Hằng, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các nước tiểu vùng cũng như toàn khu vực.

Năm là, cùng nhau đưa hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân, du lịch trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững của hai nước.

Thủ tướng mong ICWA cũng như các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo của Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam, tăng cường nghiên cứu, trao đổi học thuật trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Phát huy các giá trị chung về tình đoàn kết, hữu nghị, sự tin cậy sâu sắc và những thành quả hợp tác thời gian qua, chúng ta tin tưởng vững chắc vào triển vọng tươi sáng của quan hệ hai nước. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ tiếp tục “nở rộ dưới bầu trời thanh bình”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-an-do-vi-hoa-binh-hop-tac-va-phat-trien-post822189.html