TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC NGHỊ VIỆN VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI KHỦNG HOẢNG COVID-19 Ở KHU VỰC TAM GIÁC PHÁT TRIỂN CAMPUCHIA – LÀO – VIỆT NAM

Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2021, được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đoàn đại biểu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam do Đồng chí Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển.

Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển, do Quốc hội Campuchia đăng cai tổ chức ngày 23/9/2021 theo hình thức trực tuyến. Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững và ứng phó với khủng khoảng COVID-19 ở Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam”, Hội nghị nhằm hiện thực hóa các lợi ích chung cũng như ứng phó với khủng hoảng COVID-19 vì sự thịnh vượng và đoàn kết của nhân dân Khu vực Tam giác Phát triển, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết lâu dài giữa ba nước.

Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên THQHVN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Công Sỹ về ý nghĩa của chủ đề và những vấn đề chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Phóng viên: Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Camphuchia- Lào-Việt Nam sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 23/9/2021 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở Khu vực Tam giác phát triển CLV”. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay, thưa ông?

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, do Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia đăng cai tổ chức và được sự nhất trí của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì sự phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam”.

Nội hàm chủ đề của hội nghị lần này vừa thể hiện mục tiêu xuyên suốt của quan hệ hợp tác giữa ba Chính phủ Campuchia - Lào - Việt Nam, vai trò điều phối của Ủy ban điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển (KVTGPT) của mỗi nước nhằm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững về kinh tế - xã hội trong KVTGPT CLV; đồng thời chủ đề cũng thể hiện tính thời sự, tính cấp bách hiện nay là thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước và kết quả hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong ứng phó với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các thảo luận này trên góc độ cơ quan thực thi (chính phủ, các bộ ngành) và trên cơ sở thực hiên các chức năng của Quốc hội, cơ quan Quốc hội.

Phóng viên: Ông có thể thông tin về những vấn đề chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần này?

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Hội nghị Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 sẽ đánh giá kết quả thực hiện những khuyến nghị Tuyên bố chung tại Hội nghị lần thứ 7, trong đó có có những kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban điều phối chung KVTGPT của 3 nước, các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong hiện triển khai, thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KVTGPT, Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quản lý điều hành trang thông tin điện tử, Kế hoạch phát triển cho ngành công nghiệp cao su trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Hiệp định tạo thuận lợi và xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, Thủ tục cấp phép vận tải đa phương thức, Tăng hạn ngạch phương tiện vận tải, tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới, việc triển khai các dự án ưu tiên trong KVTGPT…

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Điều phối chung của mỗi nước và của chính quyền các tỉnh trong khu vực, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước sẽ có xem xét, nhận định, đánh giá về những vấn đề nêu trên. Theo đó, sẽ chỉ ra những nội dung làm tốt, những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc, chưa thực hiện được, đồng thời đưa ra các kiến nghị đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền và các địa phương trong khu vực có giải pháp khắc phục.

Vấn đề lớn thứ hai đó là nghe báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là cơ chế phối hợp trong phòng chống dịch bệnh lây lan xuyên biên giới và thảo luận của các đại biểu về các vấn đề này. Qua đó, hội nghị sẽ có kiến nghị, gợi ý hợp tác phù hợp và khả thi hơn trong thời gian tới giữa ba nước.

Ngoài ra, Hội nghị cũng tiếp tục thảo luận về tính hiệu quả và đưa ra các khuyến nghị về việc huy động sự tham gia của các đối tác phát triển phục vụ cho việc triển khai được thuận lợi các thỏa thuận đã được thống nhất giữa ba nước như tổ chức JICA đang đồng hành hiện nay.

Kết quả của Hội nghị được thể hiện trong Tuyên bố chung của ba Ủy ban sẽ được gửi đến Ủy ban điều phối chung KVTGPT và Chính phủ ba nước. Đây sẽ là những đề xuất, kiến nghị và những gợi ý cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Ủy ban Đối ngoại ba nước nói riêng, giữa Quốc hội và giữa ba nước nói chung.

Phóng viên: Kể từ Hội nghị lần thứ 7 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, ông đánh giá thế nào về kết quả hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại của ba nước trong thực hiện Tuyên bố chung của Hội nghị lần trước?

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Quảng Ninh năm 2019 đã thành công tốt đẹp cả về công tác nội dung và công tác tổ chức. Kể từ sau Hội nghị lần thứ 7 đến nay, qua hoạt động giám sát của Ủy ban Đối ngoại cho thấy Chính phủ ba nước đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp từ cấp trung ương đến địa phương nhằm tổ chức thực hiện các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Các cơ chế hợp tác trong khuông khổ KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam được triển khai thường xuyên, hiệu quả từ 11 Hội nghị cấp cao giữa Chính phủ 3 nước, 12 cuộc họp của Ủy ban Điều phối chung, các hoạt động của tiểu ban cũng như các cơ chế phối hợp khác của các bộ, ngành của 3 nước. Ở cấp địa phương, Ủy ban nhân dân 05 tỉnh nước ta đã ký nhiều Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các tỉnh phía bạn Lào và Campuchia. Đồng thời thống nhất nhiều mô hình hợp tác từ Tổ công tác, đoàn chuyên viên, giao ban định kỳ cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Kết quả triển khai các Thỏa thuận hợp tác này đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam, thu hẹp khoảng cách phát triển với các khu vực khác và thúc đẩy gắn kết để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Tại Hội nghị lần thứ 8, tôi tin rằng Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ có báo cáo rất chi tiết về tình hình giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam.

Phóng viên: Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được hình thành 22 năm trước, nhằm hiện thực hóa các cam kết và thúc đẩy lợi ích chung giữa ba nước. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của cơ chế hợp tác giữa ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước trong thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước, vì sự phát triển chung KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam?

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Sau 22 năm triển khai Thỏa thuận, hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam luôn giữ được vai trò là cơ chế gắn kết ba nước Đông Dương, duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực 13 tỉnh chiến lược biên giới và đem lại lợi ích kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh một cách thiết thực. Hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước phát triển, nhất là giao thông, cấp điện. Hợp tác đầu tư được đẩy mạnh trong các lĩnh vực như thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp.

Việt Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong cơ chế hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam cả trong xây dựng các tài liệu định hướng và thực hiện các dự án cụ thể. Lào và Campuchia đánh giá cao các sáng kiến của nước ta tại các Hội nghị và bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hơn nữa hỗ trợ từ Việt Nam. Một số địa phương đã chủ động, linh hoạt có nhiều nội dung hợp tác với các địa phương của Lào và Campuchia.

Để đạt được những kết quả hợp tác trong KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam như trên, không thể không nhắc tới vai trò ngày càng quan trọng của công tác ngoại giao nghị viện nói chung và vai trò của Ủy ban Đối ngoại ba nước nói riêng.

Các hoạt động hợp tác nói trên không chỉ thể hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam mà còn thể hiện quan các hoạt động đối ngoại song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ AIPA, ASEAN, ASEAN và các đối tác, khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông. Thông qua các cơ chế hợp tác này, Ủy ban Đối ngoại ba nước đã có điều kiện để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã thẩm tra nhiều dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực đối ngoại góp phần tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam như: Luật Biên giới quốc gia, Luật điều ước quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật quy hoạch liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển....

Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế có liên quan trực tiếp đến KVTGPT như Phê chuẩn Hiệp ước, Nghị định thư về biên giới, lãnh thổ, Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước...

Công tác giám sát của Ủy ban Đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa ba nước CLV nói chung và hợp tác trong KVTGPT nói riêng. Trong đó, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại ba nước tổ chức theo hình thức luân phiên định kỳ 2 năm 1 lần là dịp để Ủy ban Đối ngoại ba nước cùng đánh giá, xem xét việc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động giám sát khác của Ủy ban Đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam như: Chuyên đề giám sát năm 2012 về “Việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, cụ thể là tình hình và chính sách đối với người Việt Nam tại Campuchia, người Campuchia gốc Việt; Chuyên đề giám sát năm 2017 về “Việc thực hiện Điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, trong đó tập trung giám sát các Điều ước quốc tế đã ký kết với Lào và Campuchia”; Năm 2018, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức 02 chuyên đề giám sát quan trọng có liên quan đến KVTGPT gồm: Một là chuyên đề“Tình hình thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tổ chức giám sát chung việc thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Hai là chuyên đề “Việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam”.

Kết quả các hoạt động trên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam nói riêng và của 3 Ủy ban Đối ngoại nói chung đã góp phần thực hiện các mục tiêu của các Thỏa thuận hợp tác ba nước, đồng thời làm sâu sắc hơn về hợp tác trong KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam.

Phóng viên: Hội nghị lần thứ 8 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết chung trong thúc đẩy sự phát triển của KVTGPT Campuchia - Lào - Việt Nam. Đặt trong bối cảnh đó, ông kỳ vọng gì vào kết quả của hội nghị lần này?

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Hội nghị giữa Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV của Việt Nam, năm đầu tiên của Quốc hội khóa IX của Lào và năm chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa mới ở Campuchia, đồng thời nhiều thỏa thuận hợp tác vừa được tổng kết giai đoạn đến 2020 và phương hướng cho giai đoạn mới 2025 và đến 2030, do vậy, tôi mong muốn rằng các tham luận, thảo luận các báo cáo tại hội nghị sẽ trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị chỉ rõ những thỏa thuận hợp tác đã làm được, những hạn chế, vướng mắc chưa thực hiện được đồng thời đưa ra được những kiến nghị đề xuất.

Những kết quả của Hội nghị lần này bao gồm các kiến nghị sẽ gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan của cả 3 nước là căn cứ quan trọng để đề ra phương hướng hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới như gợi mở trọng tâm, ưu tiên lĩnh vực hợp tác, giải pháp về thể chế và nguồn lực để hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác đã được cam kết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=58984