Tăng cường quản lý ao nuôi tôm trong mùa mưa

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, trong 3 tháng tới có khoảng 20 - 28 ngày có mưa trong tháng, khả năng mưa rất to và giông mạnh là điều kiện bất lợi cho tôm nuôi, kèm theo đó môi trường dễ bị biến động dẫn đến nguy cơ tôm dễ nhiễm bệnh. Do đó, nhằm quản lý tốt tôm nuôi trong giai đoạn hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra một số khuyến cáo đến hộ nuôi tôm, địa phương áp dụng thực hiện nhằm bảo vệ ao tôm.

Hiện nay, đang trong giai đoạn mùa mưa, hiện tượng thời tiết nắng nóng và mưa dầm đột ngột và thời tiết lạnh có thể diễn ra thường xuyên làm cho các yếu tố môi trường bị biến động, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng. Với tình hình thời tiết diễn biến như trên, đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lưu ý, người nuôi tôm thực hiện các biện pháp trong nuôi tôm trước khi thả giống, đó là cải tạo ao ban đầu thật kỹ nhằm loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, như: tép, hến, ốc đinh… Đồng thời, thiết kế mô hình nuôi tôm lót bạt khung sắt, khung ximăng dưới hình thức ao nổi hoặc ao chìm từ 2 - 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn ương ban đầu từ 15 - 25 ngày để hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, giữ ổn định mực nước ao nuôi từ 1 - 1,2m (đối với tôm - lúa từ 0,8m tính từ mặt trảng) và các yếu tố môi trường, như: độ pH, độ kiềm, độ mặn, khoáng chất luôn nằm trong ngưỡng tối ưu cho tôm nuôi.

Thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh, hộ nuôi tôm nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 - 50% lượng thức ăn cho tôm. Ảnh: THÚY LIỄU

Thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh, hộ nuôi tôm nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 - 50% lượng thức ăn cho tôm. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trước hoặc sau những trận mưa lớn nên đo đạc môi trường và xử lý điều chỉnh môi trường về mức tối ưu cho tôm. Che lưới lan ao nuôi và tăng cường quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ, giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm; định kỳ lấy mẫu nước kiểm tra mật số vi khuẩn vibrio spp gây hại trong ao tôm với tần suất 2 lần/tuần cùng với đó khống chế mật số vibrio spp dưới 1000 Cfu/ml. Thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh, nhiệt độ trong nước <27ºC nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 - 50% lượng thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi… đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong nước lớn hơn hoặc bằng 5mg/lít để đảm bảo tôm tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn tốt hơn.

Song song đó, thả giống với mật độ vừa phải, thẻ ao đất từ 30 - 80 con/m2, thẻ ao bạt đáy 90 - 120 con/m2, thẻ ao tròn 180 - 200 con/m2, sú 15 - 20 con/m2, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước và đáy ao, đặc biệt là các dòng Bacillus spp, Rhodobacter spp. Thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất để tôm hấp thu tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng và ngừa bệnh gan tụy. Ngoài ra, con giống là yếu tố rất quan trọng cho việc thả nuôi, vì vậy hộ nuôi khi bắt giống phải qua xét nghiệm ít nhất 3 loại bệnh nguy hiểm trên tôm như: đốm trắng, gan tụy cấp, vi bào tử trùng. Với kích cỡ thả giống đối với sú phải đạt tối thiểu chiều dài 12 - 15mm và thẻ là 9 - 11 mm. Con giống trước khi thả phải thuần dưỡng cho quen dần với 4 yếu tố: pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm trong bọc giống với nước ao nuôi ít nhất 1 giờ.

Một lưu ý quan trọng đối với hộ nuôi tôm là cần phải thực hiện đăng ký khai báo nuôi trồng thủy sản và khai báo dịch bệnh theo quy định. Khi tôm bị thiệt hại không che giấu dịch bệnh, tuyệt đối không xả bừa bãi nước thải, tôm chết và bùn thải ra môi trường bên ngoài để tránh gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến nay, diện tích thả giống tôm nước lợ hơn 21.509ha, đạt và vượt kế hoạch so cùng kỳ năm trước, diện tích tôm nuôi thiệt hại thấp, chiếm 3% diện tích thả nuôi (637ha). Với thành quả đạt được của các tháng nuôi tôm đầu năm là giảm thiệt hại ở mức thấp, góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi. Do đó, để tiếp tục có vụ nuôi thành công cho đến cuối năm, nhất là nuôi tôm trong giai đoạn mùa mưa thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan trực thuộc sở, địa phương để bảo vệ ao nuôi tôm bằng các biện pháp, như: quan trắc môi trường, quan trắc dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản tập trung và thường xuyên xảy ra dịch bệnh; kịp thời khuyến cáo hộ nuôi áp dụng các biện pháp quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nhằm ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng đưa vào thị trường; kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản để đảm bảo giống chất lượng cao phục vụ sản xuất; tăng cường kiểm dịch giống nhập tỉnh, kiểm soát giống bố mẹ nhập tỉnh để sản xuất giống có chất lượng…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/tang-cuong-quan-ly-ao-nuoi-tom-trong-mua-mua-49488.html