Tăng cường quản lý cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thức ăn nhanh, tiện lợi của người dân gia tăng. Theo đó, các cơ sở chế biến thực phẩm cũng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay đa phần là nhỏ, lẻ nên tiềm ẩn nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Cơ sở chế biến bánh gai tại xã Thọ Diên (Thọ Xuân).

Theo quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-UBND, ngày 25-6-2019 của UBND tỉnh, quy định phân công, phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thì những cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ do UBND cấp xã, phường, thị trấn và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý. Do đó, để bảo đảm vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến thực phẩm, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương đã và đang tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có một số sản phẩm chế biến thực phẩm truyền thống, như: bánh gai, bánh răng bừa, nem nướng... với số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lên tới 2.421 cơ sở. Trong đó, cấp huyện quản lý 184 cơ sở, số còn lại do UBND các xã, thị trấn quản lý. Với số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tương đối lớn, song quy mô nhỏ, lẻ, lại có sự biến động theo mùa vụ, nên khả năng đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng còn hạn chế, vì vậy công tác quản lý vệ sinh ATTP trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở phân tích cụ thể những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý vệ sinh ATTP thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã và đang tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và các xã, thị trấn trong huyện chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý vệ sinh ATTP. Tăng cường hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác quản lý vệ sinh ATTP; nắm bắt và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Huyện cũng giao Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP huyện phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan rà soát các tiêu chí xây dựng xã, thị trấn ATTP. Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ATTP thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo thẩm quyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát từ huyện đến cơ sở.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý các cơ sở chế biến thực phẩm theo đúng quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP, nên trên địa bàn không xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, chủ các cơ sở chế biến thực phẩm đều hiểu đúng, đủ các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP trong quá trình sản xuất. Đáng chú ý, toàn huyện đang triển khai xây dựng 9 mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, 6 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm ATTP, 9 chợ ATTP, 13 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các xã, thị trấn thực hiện thí điểm ATTP và các khu vực đông dân cư, 44 bếp ăn tập thể ATTP.

TP Thanh Hóa có hơn 4.000 cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ, với nhiều mặt hàng đa dạng, như: bún, chế biến gia cầm, chế biến thủy, hải sản, làm nem, giò, chả...; vì vậy, nguy cơ mất vệ sinh ATTP cao. Do đó, những năm qua, UBND TP Thanh Hóa luôn xác định công tác bảo đảm vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Theo đó, TP Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn để các cơ sở chế biến thực phẩm chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP trong quá trình chế biến thực phẩm. Các xã, phường đã chủ động vận động các cơ sở chế biến thực phẩm ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP; tuyên truyền để nâng cao việc giám sát của cộng đồng dân cư đối với các cơ sở chế biến thực phẩm và báo cho lực lượng chức năng nếu nghi ngờ hoặc phát hiện những dấu hiệu hoạt động bất thường của cơ sở chế biến. Thông qua việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nói trên, nên công tác bảo đảm vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến nhỏ, lẻ trên địa bàn TP Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở chế biến ngày càng hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP.

Mặc dù đã đạt được những chuyển biến đáng ghi nhận ở một số địa phương, song công tác quản lý các cơ sở chế biến nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân bày tỏ: Các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ thường có sự biến động, thời gian và số lượng sản xuất hàng không ổn định, trong khi đó các cơ sở này lại không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Phần lớn chủ hộ và người lao động tại các cơ sở chế biến thực phẩm không có giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ và nhất là chưa nắm được các quy định cơ bản về điều kiện, bảo đảm điều kiện ATTP. Bên cạnh đó, kiến thức, kinh nghiệm về công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP của cán bộ quản lý cơ sở còn hạn chế, thiết bị kiểm tra thiếu và yếu đang là những “rào cản” lớn khiến công tác quản lý các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ bị hạn chế.

Ông Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho rằng: Công tác quản lý về ATTP, nhất là đối với các cơ sở chế biến thực phẩm tại các địa phương hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi công tác rà soát, thống kê cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, cấp xã chưa đầy đủ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác quản lý thức ăn đường phố, quản lý cơ sở giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng sử dụng chất bảo quản thực phẩm không đúng quy định. Bởi vậy, để công tác quản lý các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ, cần sự tích cực vào cuộc của các địa phương trong công tác tuyên truyền, bố trí lực lượng để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở; tăng cường vận động Nhân dân giám sát cộng đồng đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý cơ sở cũng cần tích cực tham gia tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng trong công tác quản lý.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-co-so-che-bien-thuc-pham-nho-le/121297.htm