Tăng cường quản lý công tác đấu thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng

ĐTO - Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động đấu thầu bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Công tác đấu thầu đạt được kết quả nhất định; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng có sự cải thiện đáng kể, nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở một số địa phương, Chủ đầu tư và Bên mời thầu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế từ bước lập, thẩm định, trình phê duyệt, đăng tải, phát hành hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, xử lý kiến nghị của Nhà thầu.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ đầu tư và Bên mời thầu, thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định tại khoản 8 Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng bảo đảm chất lượng và theo quy định; người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc không thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Về công tác lập hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT)/hồ sơ yêu cầu qua mạng (E-HSYC) thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 35, Điều 60, điều 61 và khoản 1 Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐCP. Đảm bảo các nội dung yêu cầu trong E-HSMT/E-HSYC được lập đúng các mẫu quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT ngày 15/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn; không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu E-HSMT/E-HSYC hoặc đưa tiêu chí yêu cầu không phù hợp.

E-HSMT/E-HSYC được xây dựng phải đảm bảo khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu, thu hút sự tham gia cạnh tranh rộng rãi của các nhà thầu, không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và khoản 2 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và điểm a, điểm b khoản 5 Phần I Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 1 Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT)/hồ sơ đề xuất (EHSĐX) thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 39, Điều 64 và khoản 2, khoản 3 Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; đánh giá phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT/E-HSĐX và các yêu cầu khác trong EHSDT/E-HSĐX, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá E-HSDT/E-HSĐX.

Làm rõ E-HSDT/E-HSĐX phải được thực hiện đúng quy định tại Điều 28, Điều 39, Điều 65 và khoản 4 Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐCP. Không được loại nhà thầu tại bước kiểm tra tính hợp lệ E-HSDT/E-HSĐX do thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm khi chưa thực hiện làm rõ E-HSDT/E-HSĐX; nghiêm cấm việc làm rõ E-HSDT/EHSĐX dẫn đến thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, nội dung cơ bản của E-HSDT/E-HSĐX đã nộp. Đối với các tài liệu về năng lực, kinh nghiệm do nhà thầu gửi đến bên mời thầu, Chủ đầu tư trong thời gian đánh giá E-HSDT/E-HSĐX phải được tiếp nhận để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung làm rõ là một phần của hồ sơ dự thầu.

Công tác thẩm định, phê duyệt E-HSDT/E-HSĐX thực hiện theo quy định tại Điều 25, Điều 37, Điều 62 và khoản 1 Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác thẩm định, phê duyệt đảm bảo nguyên tắc độc lập, trung thực, khách quan, công bằng; việc thẩm định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo Thông tư quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Báo cáo thẩm định phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, có nhận xét, đánh giá đối với từng nội dung cụ thể và có kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật. Cán bộ thực hiện thẩm định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu phải am hiểu pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan, có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực của gói thầu.

Trường hợp thuê tư vấn lựa chọn nhà thầu, trong hợp đồng giữa Chủ đầu tư và Đơn vị tư vấn đấu thầu phải quy định rõ trách nhiệm của tư vấn đấu thầu, các điều kiện ràng buộc khi Đơn vị tư vấn đấu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ tại hợp đồng ký kết giữa Chủ đầu tư với Đơn vị tư vấn đấu thầu. Trong mọi trường hợp, Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu lựa chọn Đơn vị tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm dẫn đến sai sót từ phía Đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc Đơn vị tư vấn đấu thầu có hành vi vi phạm như dàn xếp; cố tình gây ra sai sót trong lập, thẩm định E-HSMT/E-HSYC, đánh giá E-HSDT/E-HSĐX; thông thầu.

Chủ tịch UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các Chủ đầu tư, Bên mời thầu quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu thầu. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về đấu thầu; chú trọng công tác hậu kiểm để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; xử lý nghiêm, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu.

NP

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-cong-tac-dau-thau-va-day-manh-dau-thau-qua-mang-123191.aspx