Tăng cường quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm

Theo thống kê của Sở Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 trên toàn tỉnh tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do giá dịch vụ bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở và giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Một số nhóm khác như đồ uống, dịch vụ vui chơi giải trí và giáo dục tăng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao vào dịp hè và chuẩn bị mua sắm đồ dùng chuẩn bị cho năm học mới. Đặc biệt nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,15% do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm.

Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng tại Siêu thị GO!.

Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng tại Siêu thị GO!.

CPI tăng khẳng định sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công tác quản lý giá của các cơ quan chức năng trong điều kiện những tháng đầu năm có nhiều yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng giá chung như tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động; diễn biến thời tiết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa và việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7... Thị trường duy trì ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về giá và có ý thức chia sẻ với khách hàng, kích cầu mua sắm.

Để có được kết quả này, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, địa phương chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm. Trong đó, tỉnh yêu cầu phải bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; căn cứ dư địa lạm phát của địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả, linh hoạt công tác quản lý, điều hành giá dịp cuối năm. Bám sát tình hình thị trường xăng dầu để triển khai công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ổn định, hiệu quả; tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Ưu tiên đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Sở Tài chính tăng cường thực hiện việc kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng phương án giải trình đối với điều chỉnh tăng giá của các đơn vị. Trong trường hợp không hợp lý, Sở Tài chính yêu cầu soát xét lại, tránh tình trạng tăng giá không phù hợp để trục lợi với tác động của các yếu tố đầu vào, tăng giá dây chuyền, gây tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội hoặc làm thất thu ngân sách Nhà nước. Sở Công Thương tập trung theo dõi, đánh giá diễn biến thị trường hàng hóa, chủ động phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ; hàng hóa phải bảo đảm về chất lượng và giá cả hợp lý để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Sở còn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến thời tiết, dịch bệnh liên quan đến từng nhóm hàng hóa để kịp thời tham mưu các biện pháp cân đối cung cầu phù hợp. Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo dõi sát tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và biến động giá các yếu tố đầu vào (như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) từ đó kịp thời điều hòa cung - cầu các mặt hàng để ổn định giá cả thị trường. Đặc biệt, tập trung hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chú trọng sản xuất, cung ứng con giống chất lượng, đảm bảo tổng đàn lợn, gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương.

Ngành Xây dựng theo dõi sát giá vật liệu xây dựng, thường xuyên cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, nhân công khi có sự thay đổi. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch, kinh doanh vận tải, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịp cao điểm để tăng giá bất hợp lý. Ngành Y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế với giá hợp lý, đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là các quy định có liên quan về việc niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng tình hình để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, nhất là các hàng hóa thiết yếu, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nắm bắt tình hình, diễn biến về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả. Triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, gian lận về giá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy luật thị trường, càng gần cuối năm hàng hóa càng có xu hướng tăng giá, do vậy các ngành chức năng cần tập trung quản lý tốt các yếu tố tác động đến việc tăng giá; thúc đẩy sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thông suốt và tăng cường kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định của pháp luật về giá.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/tang-cuong-quan-lydieu-hanh-gia-nhung-thang-cuoi-nam-27f6af3/