Tăng cường quản lý, điều hành tài chính, ngân sách địa phương
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, do đó thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 637 tỷ đồng, bằng 12,75% dự toán năm. Như vậy, so với dự toán năm và cùng kỳ năm trước, thu ngân sách quý I đạt thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối nhiệm vụ chi ngân sách của tỉnh. Cũng trong quý I, chi ngân sách của tỉnh đạt 3.070 tỷ đồng, bằng 20,4% dự toán năm.
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2020, Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố phối hợp với Cục Thuế tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách quý II, đảm bảo thu ngân sách sát với thực tế, đạt dự toán, gắn với thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ cho các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID - 19. Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan, tổ chức triển khai khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách, tập trung khai thác nguồn thu, chống thất thu từ thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, kinh doanh vãng lai, đại lý, xây dựng cơ bản, vận tải tư nhân, dịch vụ...
Căn cứ kế hoạch khai thác quỹ đất tạo nguồn thu từ đất năm 2020 đã được phê duyệt, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phục vụ đấu giá đất, cho thuê đất; giải quyết nhanh các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; định giá đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất; quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ đất, phấn đấu thu tiền sử dụng đất quý II đạt dự toán được giao.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo các khoản chi phải được giải ngân, thanh toán và phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình trọng điểm, gồm: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu về y tế, giáo dục, văn hóa... Đối với đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện tốt quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Chính phủ. Rà soát, bổ sung giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn 2019 chuyển nguồn sang 2020; phân bổ kịp thời kế hoạch vốn 2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo quy định. Các chủ đầu tư chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về công tác đấu thầu đối với các dự án khởi công mới để triển khai thi công; hoàn thiện hồ sơ thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu.
Về chi thường xuyên, thực hiện triệt để chi ngân sách, điều chỉnh phương án chi theo tiến độ thu ngân sách, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán được giao. Đảm bảo kinh phí thực hiện các khoản chi thiết yếu, chi cho con người như: Lương, phụ cấp lương, các khoản chi an sinh xã hội... Tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, của UBND tỉnh và tích cực huy động nguồn lực trong cộng đồng cho công tác phòng, chống dịch.
Cùng với việc quản lý, điều hành tốt công tác thu, chi ngân sách, các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với cấp ngân sách, các đơn vị dự toán trong lĩnh vực quản lý NSNN, đảm bảo việc sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích công khai, minh bạch. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân và tập thể vi phạm, thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm. Có như vậy, việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách địa phương mới phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.