Tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn trong lao động
BHG - Thời gian qua, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, vấn đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng vẫn đang tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường quản lý, giám sát để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của người lao động.
Ghi nhận tại công trình xây dựng trụ sở làm việc Thường trực HĐND - UBND huyện Yên Minh vào những ngày đầu tháng 3, không khó để nhận thấy không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp. Hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc, thi công các hạng mục của công trình. Được biết, công trình này được Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng 305 triển khai thực hiện, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án huyện Yên Minh. Trao đổi với phóng viên, Đội trưởng đội xây dựng Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng 305 khẳng định: “Về đảm bảo an toàn lao động, đơn vị thi công chúng tôi có đầy đủ quần áo, mũ bảo hộ cho anh em công nhân, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình”.

Công trình xây dựng trụ sở làm việc Thường trực HĐND - UBND huyện Yên Minh
Mặc dù chia sẻ với phóng viên là vậy, thực tế tại công trình vẫn cho thấy tình trạng nhiều công nhân chưa có đầy đủ trang bị bảo hộ theo quy định. Một số công nhân làm việc ở trên cao như trên mái tầng 3 nhưng không sử dụng dây đai an toàn, một số khác không đội mũ, quần áo bảo hộ. Điều này cho thấy sự chưa đồng bộ giữa cam kết và thực tế triển khai tại công trường.
Theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, người lao động trong ngành xây dựng phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ như: Mũ bảo hộ, găng tay, giày chuyên dụng, đặc biệt là dây đai an toàn khi làm việc ở trên cao. Các đơn vị thi công có trách nhiệm tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thi công. Tuy nhiên, tại công trình này, có thể thấy rằng việc chấp hành các quy định về bảo hộ lao động chưa được thực hiện nghiêm túc. Nguyên nhân có thể xuất phát từ cả hai phía: Đơn vị thi công chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác an toàn lao động; một bộ phận công nhân do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết nên chưa tự giác thực hiện.
Mặt khác, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh đã được chủ đầu tư và đơn vị thi công chú trọng hơn trong công tác đảm bảo an toàn lao động. Điển hình như công trình xây dựng Khoa Khám, chữa bệnh và điều trị BVĐK huyện Quản Bạ, được Tập đoàn Đèo Cả trực tiếp phụ trách thi công. Anh Trần Thanh Bình, cán bộ phụ trách dự án chia sẻ: "Chúng tôi luôn chú trọng và đảm bảo an toàn lao động bằng các biện pháp như trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, lắp đặt hệ thống khung thép chắc chắn, huấn luyện định kỳ cho công nhân, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro đáng kể xảy ra tại công trường".

Các công nhân của Tập đoàn Đèo Cả được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ trong quá trình thi công tại công trình xây dựng Khoa Khám, chữa bệnh và điều trị BVĐK huyện Quản Bạ
Theo báo cáo năm 2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động, làm 6 người bị nạn, trong đó có 2 người tử vong và 4 người bị thương nặng. Trên phạm vi cả nước, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), năm 2024 ghi nhận 8.286 vụ tai nạn lao động, làm 8.472 người bị nạn, trong đó có 727 người tử vong. Những con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tai nạn lao động, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người lao động.
Tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng luôn là mối lo thường trực. Những sự cố do sập giàn giáo, rơi ngã từ trên cao, vật liệu xây dựng rơi trúng người lao động đã để lại những hậu quả đau lòng. Trên thực tế, chỉ cần một chút bất cẩn hoặc thiếu sót trong biện pháp an toàn cũng có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn tại các công trình xây dựng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu đơn vị thi công tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động. Chủ đầu tư và nhà thầu phải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho công nhân, tạo điều kiện làm việc an toàn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, bản thân mỗi công nhân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn lao động để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Với phương châm “An toàn là bạn – tai nạn là thù”, việc đảm bảo an toàn trong lao động không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi công trình xây dựng được thực hiện trong môi trường lao động an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động mà còn góp phần nâng cao chất lượng công trình, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.