Tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp

Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn trong phát triển rừng bền vững, thời gian qua, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp.

Xã Bình Hiệp (Bình Sơn) là 1 trong những địa phương có số hộ sản xuất keo giống nhiều nhất của tỉnh, với trên 200 vườn ươm. Đa số người dân sản xuất tự phát theo nhu cầu của thị trường, không chú trọng đến việc đăng ký sản xuất kinh doanh. Do đó, để phát triển nghề ươm keo giống theo hướng bền vững, thời gian qua, Hội Nông dân xã Bình Hiệp đã hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Keo giống Bình Hiệp”.

Lực lượng kiểm lâm của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra giống cây lâm nghiệp.

Lực lượng kiểm lâm của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra giống cây lâm nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hiệp Lê Văn Tình cho biết, để phát triển nhãn hiệu cho keo giống Bình Hiệp và thuận lợi trong công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho keo giống Bình Hiệp. Đây là cơ sở để các hộ ươm keo giống chú trọng sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc theo quy định của pháp luật và nỗ lực khẳng định, giữ vững, phát triển thương hiệu đến thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhờ nghề ươm keo giống, mà đời sống của ông Lê Văn Cần, ở thôn Liên Trì Đông, xã Bình Hiệp đã đổi thay, khấm khá rất nhiều. Ông Cần cho hay, trước đây tôi sản xuất nhỏ lẻ, nhưng nhu cầu thu mua keo giống của thị trường ngày càng nhiều, nên tôi đã mở rộng diện tích sản xuất. Mỗi năm, vườn ươm của tôi sản xuất từ 2,5 - 3 triệu cây giống ra thị trường, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng. “Tôi cũng như nhiều hộ ươm keo giống thường chỉ tập trung làm ra sản phẩm chất lượng, chứ không chú trọng đến việc đăng ký sản xuất, kinh doanh, nên đôi lúc gặp khó khăn khi có một số thương lái, doanh nghiệp trồng rừng đòi hỏi giấy tờ chứng nhận nguồn gốc. Hiện nay, tôi đã tham gia vào danh sách đăng ký nhãn hiệu tập thể "Keo giống Bình Hiệp" và tổ hội nghề nghiệp vườn ươm keo giống. Nếu sắp tới, "Keo giống Bình Hiệp"được công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ tạo thuận lợi để tôi tiếp tục phát triển nghề ươm keo giống, tiếp cận với nhiều thị trường trên cả nước”, ông Cần chia sẻ.

Theo thống kê, cuối năm 2022, tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh đạt hơn 332 nghìn héc ta. Trong đó, rừng tự nhiên trên 107 nghìn héc ta, rừng trồng trên 225 nghìn héc ta. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, có 42 nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận còn thời hạn sử dụng, chủ yếu là giống cây keo lai, lim xanh, quế... Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, ngành lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác hướng dẫn, quản lý, kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, nhằm đảm bảo chất lượng cây giống theo tiêu chuẩn quốc gia, hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về giống cây lâm nghiệp.

“Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm của tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, người trồng rừng nên chọn mua cây giống tại các cơ sở uy tín; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế rừng trồng”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ DUYÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202302/tang-cuong-quan-ly-giong-cay-lam-nghiep-3157045/