Tăng cường quản lý hoạt động chế biến lâm sản
Bên cạnh triển khai thực hiện tốt công tác trồng, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngành Kiểm lâm tỉnh còn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn. Tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với khoảng 20 cơ sở đang duy trì hoạt động, thành phố Điện Biên Phủ là một trong những địa phương có số cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ nhiều nhất tỉnh. Các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản chủ yếu là sản xuất, chế biến ván bóc, dăm gỗ, đóng đồ dùng gia đình, xẻ ván, đồ mộc xây dựng… Các hoạt động này chủ yếu là dạng sản phẩm thô, không ngâm tẩm hóa chất độc hại; vật liệu thừa sau chế biến được tận dụng làm dăm gỗ, nhiên liệu tại chỗ, do vậy không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Điện Biên, có trụ sở tại tổ 3, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ, sản xuất trung bình mỗi năm tiêu thụ từ 60 – 70m3 gỗ, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động. Các sản phẩm chính của công ty là đồ gỗ nội thất, như: giường, tủ, bàn ghế, kệ… Chính vì thế, yêu cầu về nguồn gốc lâm sản luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Phú Đỏ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Điện Biên, cho biết: Hiện nay, nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến của công ty chủ yếu là gỗ nhập khẩu (chiếm 70%) và gỗ rừng trồng (khoảng 30%) và đều có giấy tờ hợp pháp. Công ty cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Trong quá trình hoạt động, công ty thường xuyên được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, nhắc nhở và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trực tiếp hướng dẫn về cách ghi chép sổ sách và tuyên truyền các văn bản mới liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản nên thuận lợi trong vấn đề thủ tục hành chính.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 69 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản đang hoạt động (trong đó có 4 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 64 hộ gia đình, cá nhân). Hoạt động chủ yếu là kinh doanh, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ nội thất dưới hình thức nhỏ lẻ. Nguồn gốc gỗ chủ yếu là gỗ nhập khẩu trực tiếp qua cửa khẩu hoặc gỗ nhập khẩu mua lại từ các doanh nghiệp dưới xuôi đã nhập khẩu về Việt Nam (không nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài) để chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông Hà Lương Hồng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, hàng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các hạt kiểm lâm thường xuyên rà soát nắm thông tin các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn để tiện theo dõi. Ngoài ra, đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng còn xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan cấp trên.
Qua công tác kiểm tra, năm 2023, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm liên quan đến các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản vẫn mắc một số hạn chế như việc lưu trữ hồ sơ lâm sản chưa khoa học; một số cơ sở chế biến là hộ gia đình không lưu bảng kê lâm sản xuất ra. Trên thực tế có nhiều gia đình (không phải là hộ kinh doanh), cá nhân có hoạt động chế biến, mua bán, cất giữ lâm sản. Tuy nhiên, pháp luật không quy định việc lập sổ theo dõi nhập xuất lâm sản đối với cá nhân, hộ gia đình, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, theo dõi… Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở kinh doanh thu gom, chế biến lâm sản trên địa bàn còn chưa chủ động nghiên cứu quy định của Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Nhưng nhiều cơ sở chưa ghi chép đúng, đầy đủ các thông tin nhập, xuất, lâm sản gỗ, lâm sản ngoài gỗ, chưa có báo cáo tình hình nhập xuất lâm sản theo kì cho cơ quan quản lý, nhiều cơ sở còn sử dụng mẫu sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản cũ.
Trao đổi về công tác quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trong thời gian tới, ông Hà Lương Hồng cho biết thêm: Một trong những giải pháp chính để quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn vẫn là tập trung vào việc kiểm giá, giám sát. Với mục đích đảm bảo chấp hành theo pháp luật, để có những biện pháp chẩn chỉnh, xử lý kịp thời và tạo điều kiện thông thoáng cho các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng vào các nội dung như: hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản của các cơ sở…