Tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng các loại mỹ phẩm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng
Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu làm đẹp, chăm sóc bản thân cũng tăng theo. Nắm bắt xu thế này, nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm đua nhau 'mọc' lên. Để các loại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường đảm bảo chất lượng, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với mặt hàng này, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh đối với nhóm mặt hàng này. Đồng chí Nguyễn Văn Bảnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, để quản lý chất lượng các loại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm chưa được công bố sản phẩm, không an toàn cho người sử dụng. Kết quả, trong năm 2023 và đến tháng 3/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 51 vụ, xử lý vi phạm hành chính 43 vụ với tổng số tiền thu phạt trên 300 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng đối với các loại mỹ phẩm được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lý Anh Huy - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, hằng năm, Sở Y tế đều giao Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Sóc Trăng xây dựng kế hoạch kiểm tra, bốc mẫu ngẫu nhiên các loại mỹ phẩm của các nhà phân phối mỹ phẩm lớn, các cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Qua đó, đã thực hiện bốc 20 mẫu mỹ phẩm để kiểm tra, qua kiểm tra các mỹ phẩm đều đạt chất lượng theo quy định.
Bên cạnh công tác kiểm tra, các ngành chức năng tỉnh lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Qua công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm minh khi xảy ra vi phạm, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh mỹ phẩm.
Theo chị Nguyễn Hoài An - Quản lý Cửa hàng Hasaki Sóc Trăng, Phường 2, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), hiện tại Hasaki có 150 cửa hàng đang hoạt động trải dài tại các tỉnh, thành phố cả nước. Cửa hàng đặt chất lượng, chữ tín lên hàng đầu nên các sản phẩm đều đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ rõ ràng, từ đó tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện Cửa hàng Hasaki Sóc Trăng đang kinh doanh trên 3.000 sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng đến từ 24 quốc gia.
Đại diện cơ sở kinh doanh Moon shop ở Phường 2, thành phố Sóc Trăng cho biết, cửa hàng bán chạy nhất là các loại mỹ phẩm làm đẹp như: son môi, kem chống nắng, sữa rửa mặt, dưỡng ẩm, dưỡng thể, bộ trang điểm… Để giữ chân khách hàng, cửa hàng luôn chú trọng đến chất lượng và chọn lựa đối tác nhập hàng có uy tín, đảm bảo các chứng từ, hóa đơn theo quy định của pháp luật.
Ngoài hàng kinh doanh mỹ phẩm được sản xuất trong nước, Cửa hàng Vy house Spa & Cosmetic, thành phố Sóc Trăng còn kinh doanh các loại mỹ phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Theo chị Trần Hải Vy - chủ cửa hàng thì tại đây chuyên kinh doanh các dòng mỹ phẩm chuyên về chăm sóc da và trang điểm nên chỉ chọn nhập hàng trực tiếp từ các công ty nhập khẩu, phân phối mỹ phẩm được cơ quan nhà nước cấp phép theo quy định. “Khi hàng ngoại được nhập chính ngạch sẽ có tem phụ nên khách hàng dễ dàng biết được thành phần, nguồn gốc mỹ phẩm… để lựa chọn sản phẩm tiêu dùng phù hợp” - chị Vy thông tin.
Em Bích Ngọc ở Phường 5, thành phố Sóc Trăng cho biết, khi mua mỹ phẩm, em quan tâm đầu tiên là nguồn gốc xuất xứ, thành phần và giá cả của sản phẩm. “Khi mua sắm, em chọn cửa hàng uy tín, tránh mua nhầm hàng giả, ảnh hưởng đến da” - Ngọc bộc bạch.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 900 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm. Bên cạnh những cơ sở kinh doanh chân chính thì vẫn còn không ít trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để thu lợi bất chính. Cùng với hình thức bán hàng truyền thống, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh online bùng nổ và trở thành xu thế mua sắm hiện nay. Nhiều đối tượng lợi dụng kênh bán hàng này để đưa sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Do vậy, các ngành chức năng cần quan tâm và có những giải pháp hữu hiệu để quản lý, kiểm soát, kiểm tra chất lượng mỹ phẩm.
Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch công tác kiểm tra đối với mặt hàng mỹ phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt sẽ tăng cường giám sát hoạt động mua bán mỹ phẩm trên nền tảng mạng xã hội. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm đối với hàng hóa... để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho chính mình.
Về phía Sở Y tế, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, ngoài kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm, ngành Y tế sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ có dùng thuốc, hóa chất, các thiết bị can thiệp vào cơ thể người như: cắt mắt, cắt môi, phun xăm, nâng mũi, hút mỡ bụng… Đồng thời, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đoàn kiểm tra các cơ sở, tiệm tạp hóa có kinh doanh mỹ phẩm số lượng nhỏ lẻ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.