Tăng cường quản lý muỗi hành
Thời gian qua, muỗi hành (sâu năn) đã tấn cộng mạnh trên ruộng lúa ở nhiều địa phương, gây thiệt hại về năng suất, sản lượng. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội thảo'Giải pháp quản lý muỗi hành và các dịch hại khác trên lúa - Xây dựng quy trình phòng trừ muỗi hành gây hại trên cây lúa'.
Nguyên nhân
Hội thảo có sự tham gia của ThS Trương Kiến Thọ (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang); PGS.TS Lê Văn Vàng (Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ); ThS. Đỗ Văn Vấn (Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam) cùng đại diện Trường Đại học An Giang, Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT An Giang.
Hội thảo thu hút nhiều nhà quản lý, nhà khoa học tham dự
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền, mục tiêu của hội thảo là nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý muỗi hành và các dịch hại khác trên lúa một cách hiệu quả, bàn giải pháp phòng, chống và xây dựng quy trình phòng trừ, giúp nông dân quản lý muỗi hành tốt hơn nữa để tăng năng suất, sản lượng lúa sau mỗi vụ thu hoạch.
ThS Đặng Thanh Phong (Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang) cho biết, từ năm 2013 đến nay, diện tích và mức độ gây hại của muỗi hành có xu hướng gia tăng tại nhiều vùng trồng lúa của ĐBSCL. Riêng tại An Giang, từ năm 2013 đến nay, hàng năm muỗi hành đều có xuất hiện và gây hại từ mức độ nhẹ đến nặng. Cụ thể, nhẹ thì từ 10-20% diện tích xuống giống; trung bình từ 20-40%; cục bộ có một số diện tích bị nhiễm nặng trên 40%.
Riêng vụ đông xuân vừa qua, ở An Giang, muỗi hành đã phát sinh gây hại lên đến 25.117ha, tập trung trên trà lúa xuống giống muộn, trong đó nhiều nhất ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn. “Khi muỗi hành xuất hiện, ngành đánh giá nguyên nhân bộc phát dựa trên mấy yếu tố như mùa vụ, thời gian gieo sạ, điều kiện về thời tiết, giống lúa… Khi thời tiết ẩm độ cao, có mưa trái mùa, trời âm u, nhiều mây, sáng sớm có sương mù, kết hợp với lúa xuống giống muộn... là điều kiện cho muỗi hành phát triển nhanh” - ThS Đặng Thanh Phong nhận xét.
Giải pháp
Năm 2022, toàn tỉnh gieo sạ 620.000ha lúa, năng suất bình quân 6,47 tấn/ha, tổng sản lượng 4 triệu tấn/năm. Trong đó, vụ đông xuân 2021-2022 gieo sạ 229.791ha, năng suất 7,42 tấn/ha; vụ hè thu 2022 gieo sạ 220.967ha, năng suất 5,83 tấn/ha; vụ thu đông 2022 dự kiến xuống giống 161.103ha, năng suất 5,95 tấn/ha. Trong 3 năm qua, sản xuất của nông dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, giá vật tư tăng cao lại thêm muỗi hành tấn công, gây thiệt hại đến năng suất và sản lượng, ảnh hưởng thu nhập của nông dân.
Muỗi hành tấn công những ruộng lúa xuống giống sai lịch thời vụ. Ảnh: MINH HIỂN
Hội thảo do Sở NN&PTNT tổ chức đã đề ra được giải pháp, quy trình xử lý khi ruộng lúa xuất hiện muỗi hành. Về biện pháp canh tác, các nhà khoa học khuyến cáo nông dân cần xuống giống sớm và đồng loạt để hạn chế sự xuất hiện, lây nhiễm của muỗi hành. Nông dân cần vệ sinh sạch cỏ dại, lúa chét trong ruộng, lúa hoang mọc ở các kênh mương.
Ở những vùng thường xuyên có muỗi hành xuất hiện, hạn chế tối đa việc xử lý hạt giống bằng thuốc trừ sâu, không phun thuốc trừ sâu (ăn lá) ở giai đoạn đầu của cây lúa (40 ngày sau khi gieo sạ) để bảo tồn thiên địch. Nông dân cần tăng cường bón lân, kali ở lần bón nền cho cây lúa, bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magesium, silic để tăng sức đề kháng cho cây lúa vào giai đoạn đẻ nhánh.
Về giống, nông dân nên chọn những giống lúa ít bị nhiễm muỗi hành (trong thực tiễn sản xuất ở địa phương), cân nhắc khi sử dụng thuốc hóa học. Khi thấy triệu chứng “cọng hành” trên cây lúa, phun thuốc không cứu được chồi bị nhiễm mà còn diệt thiên địch, không đạt hiệu quả về kinh tế.
“Chúng tôi khuyến cáo nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng). Làm kỹ đất và san phẳng mặt ruộng, không giữ nước trên mặt ruộng quá sâu (trên 5cm), áp dụng tưới nước tiết kiệm “ướt - khô xen kẽ” để qua đó, góp phần hạn chế sự phát sinh của muỗi hành” - ông Nguyễn Văn Hiền khuyến cáo.
“Đến nay, nông dân còn rất xa lạ và chủ quan với đối tượng muỗi hành và chỉ phát hiện khi cây lúa biểu hiện ra hình dạng “cọng hành”. Lúc này, mọi biện pháp can thiệp đều đã trễ và không hiệu quả. Chúng tôi khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự tăng trưởng của cây lúa hàng ngày, hàng tuần để phát hiện sớm muỗi hành và có biện pháp phòng trừ hiệu quả” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền lưu ý.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-quan-ly-muoi-hanh-a336553.html