Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng
Trên địa bàn tình hiện có 18 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm: 1 phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp và 17 văn phòng công chứng với tổng số 33 công chứng viên. Đa số các công chứng viên ở các văn phòng công chứng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát đã nghỉ hưu, thuộc diện miễn đào tạo; cơ bản đáp ứng yêu cầu của các tổ chức... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trên địa bàn tình hiện có 18 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm: 1 phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp và 17 văn phòng công chứng với tổng số 33 công chứng viên. Đa số các công chứng viên ở các văn phòng công chứng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát đã nghỉ hưu, thuộc diện miễn đào tạo; cơ bản đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, công dân trong việc thực hiện công chứng các hoạt động giao dịch tại địa phương.
Thực hiện Luật Công chứng năm 2014 và Quyết định 250/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn. Trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tiêu chí xét duyệt thành lập tổ chức văn phòng công chứng; giao quyền tự chủ và chế độ đối với đối tượng hành nghề công chứng; cho phép thành lập Hội Công chứng viên tỉnh với 33 hội viên. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực công chứng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xã hội hóa hoạt động công chứng, giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ quyền, nghĩa vụ của các bên, trình tự, thủ tục khi tham gia dịch vụ công chứng theo đúng quy định của pháp luật. Là cơ quan quản lý Nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp phối hợp với Hội Công chứng viên tổ chức các lớp tập huấn, mời báo cáo viên Bộ Tư pháp truyền đạt các chuyên đề về nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ công chứng viên. Để tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề công chứng tháo gỡ, khó khăn trong việc hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan, nhất là với Văn phòng đăng ký đất đai để cung cấp thông tin, giúp công chứng viên thực hiện công việc đảm bảo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thường xuyên thanh tra, kiểm tra tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hành nghề công chứng, chấn chỉnh những vi phạm đảm bảo thực hiện hành nghề công chứng đúng quy định pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý hồ sơ công chứng; trong đó bao gồm các thông tin về nguồn gốc, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Với cơ sở dữ liệu công chứng, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch mà không lo bị rủi ro do thiếu thông tin, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho việc công chứng các hợp đồng, giao dịch. Để hướng tới mục tiêu từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phục vụ trong hoạt động dịch vụ công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động. Việc lưu trữ hồ sơ công chứng được chú trọng thực hiện, bảo đảm nền nếp, khoa học theo quy định. Đồng chí Phan Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp) cho biết đơn vị thực hiện nghiêm quy định niêm yết đầy đủ danh mục, quy định hồ sơ yêu cầu công chứng; công khai, minh bạch mức thu phí công chứng để khách hàng thuận lợi trong thực hiện giao dịch cũng như theo dõi, giám sát, đánh giá. Bên cạnh đó, khi tiếp người yêu cầu công chứng, đơn vị chủ động thông tin, tư vấn, hướng dẫn thực hiện các thủ tục hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và thuận tiện trong giải quyết các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức và cá nhân. Việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng đã giúp các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức; đáp ứng chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Từ năm 2020 đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh đã công chứng trên 40 nghìn việc; thu phí công chứng trên 8 tỷ đồng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh còn tồn tại hạn chế như: Quy mô của một số văn phòng công chứng còn nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn... Một số công chứng viên thuộc diện miễn đào tạo nghề, miễn tập sự đã bộc lộ hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng hành nghề chưa cao. Đồng chí Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, chính quyền các cấp và ngành Tư pháp cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước; có sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên về nghiệp vụ công chứng. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và nhân dân thực hiện tốt quy định của Luật Công chứng, góp phần làm lành mạnh các quan hệ giao dịch và ổn định xã hội, nâng cao uy tín, chất lượng dịch vụ của tổ chức hành nghề công chứng theo hướng chuyên nghiệp, phục vụ. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề công chứng cần bảo vệ uy tín của tổ chức, nghề nghiệp bằng việc tuân thủ đúng quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần phục vụ, không đặt nặng lợi ích kinh tế và cần phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong giao dịch, công chứng các hợp đồng”./.
Bài và ảnh: Văn Trọng