Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang là nỗi lo của người tiêu dùng cả nước khi ngày càng xảy ra nhiều vụ ngộ độc, hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý nhà nước về ATTP càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Lực lượng chức năng huyện Vị Xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Lực lượng chức năng huyện Vị Xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới với các biện pháp quyết liệt đang mang lại hiệu quả tích cực, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP được phát huy. Hiện nay, toàn tỉnh có 12.930 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm, trong đó lĩnh vực y tế quản lý có 3.408 cơ sở, nông nghiệp có 6.862 cơ sở và công thương 2.660 cơ sở. Trong năm, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, hậu kiểm ATTP, kiểm tra trong các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị của tỉnh. Theo đó, các cấp, ngành đã thành lập 1.008 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 7.030 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, có 6.561 lượt cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 93,3%; 469 cơ sở không đạt, trong đó 45 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 133 triệu đồng, 424 cơ sở bị yêu cầu phải khắc phục; tổng số thực phẩm bị tiêu hủy trên 269kg; tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể trong trường học và công tác y tế học đường. Bên cạnh đó, các đơn vị Hải quan, Công an, Quản lý thị trường đã độc lập kiểm tra và xử lý trên 500 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm trên 1 tỷ đồng, tiêu hủy gần 38.000 sản phẩm không đảm bảo ATTP.

Các cơ sở vi phạm chủ yếu do chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo đảm ATTP, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, người chế biến thực phẩm không sử dụng các biện pháp đảm bảo ATTP, không lưu mẫu thực phẩm 24 giờ.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP được thực hiện bằng nhiều hình thức, giúp người dân nhận biết về hàng thật, hàng giả, xử lý ngộ độc bột ngô mốc, nấm rừng, các loại hoa, quả từ cây rừng, cung cấp thông tin với người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an ATTP để người dân chọn lựa. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về ATTP; đẩy mạnh quản lý chuyên ngành, phòng, chống dịch bệnh, tác hại của việc sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; kịp thời kiểm soát và khống chế các ổ dịch bệnh nguy hiểm, góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi sạch, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn.

Các sở, ngành đã cấp trên 400 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tổ chức cho 834 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP, tiếp nhận bản tự công bố 32 sản phẩm của 17 cơ sở; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ra ngoài địa bàn tỉnh 291 chuyến với trên 24.340 con gia súc, gia cầm; kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh 1.139 chuyến với gần 1,1 triệu con gia súc, gia cầm và 435.363 kg sản phẩm; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được 41.466 con.

Theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt trên, công tác ATTP trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ cơ sở đáp ứng yêu cầu ATTP tăng, số cơ sở vi phạm bị xử lý giảm. Để tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về ATTP, các cấp, ngành cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất, đảm bảo trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đa dạng hóa hoạt động truyền thông, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm sạch; duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn và cấp Giấy chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202412/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-an-toan-thuc-pham-f3f5e60/