Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí

Sáng 9-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban công tác tuyên truyền, định hướng báo chí 6 tháng đầu năm 2021. Tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận những đóng góp nổi bật của công tác tuyên truyền, báo chí thời gian qua; đồng thời, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện hoạt động báo chí cũng như quản lý hoạt động của phóng viên.

Làm tốt công tác tuyên truyền

Báo cáo tại hội nghị đánh giá: 6 tháng qua, công tác tuyên truyền đã được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đáng chú ý, báo chí đã đẩy mạnh tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các sự kiện thời sự, chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh và các sự kiện quốc tế, trong nước. Tuyên truyền các chủ trương, giải pháp phát triển, các nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với từng thời điểm. Hoạt động báo chí được chỉ đạo, định hướng thường xuyên, số lượng tin, bài phản ánh tình hình của tỉnh tăng lên. Các cơ quan báo chí đã tập trung thông tin nhanh những vấn đề được dư luận chú ý, trên cơ sở đó kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên và người dân. Nhiều tin, bài phản ánh những chuyển biến tích cực của tỉnh đến bạn đọc nhanh hơn, rộng hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác tuyên truyền, định hướng báo chí 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Phương Linh

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác tuyên truyền, định hướng báo chí 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Phương Linh

Ông Nguyễn Quang Cường-Trưởng phòng Tuyên truyền-Báo chí-Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) thông tin: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tuyên truyền sâu đậm, rõ nét, lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” cũng được các lực lượng tuyên truyền, báo chí chú trọng phản ánh rộng khắp, tạo được hiệu ứng tích cực. Đặc biệt, công tác phòng-chống dịch Covid-19 thường xuyên được chú trọng, trở thành dòng thông tin xuyên suốt, kịp thời định hướng cho người dân.

Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí

Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành và cơ quan báo chí cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh công tác định hướng thông tin tuyên truyền, quản lý hoạt động báo chí. Nhà báo Phan Hòa-Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Gia Lai-đề nghị: “Việc tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí cần phải nâng cao, chuẩn bị các nội dung, vấn đề nổi bật mà dư luận quan tâm. Những người cung cấp thông tin, trả lời thắc mắc của báo chí phải là những người đứng đầu sở, ngành, nắm chắc vấn đề, trả lời có trọng tâm, trọng điểm”. Đại diện một số cơ quan báo chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống những vấn đề dư luận quan tâm để báo chí tuyên truyền, định hướng kịp thời.

Nhà báo Phan Hòa-Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại Gia Lai tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Phương Linh

Nhà báo Phan Hòa-Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại Gia Lai tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Phương Linh

Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí địa phương là Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ; 23 cơ quan báo chí trung ương, ngành, địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động độc lập; hơn 60 phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí thường xuyên liên hệ, tác nghiệp tại tỉnh nhưng không đăng ký thường trú tại tỉnh. Một số đại biểu nêu thực trạng: Hiện nay, một số phóng viên hoạt động theo nhóm gồm nhiều cơ quan báo chí khác nhau. Trong đó chỉ có một số có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, gây khó khăn nhất định đối với công tác quản lý, khi xảy ra tiêu cực. Cùng vấn đề, Thượng tá Tô Ngọc Tần-Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) cho biết: “Hiện nay, một số phóng viên, nhà báo “nhảy việc” từ báo này sang báo khác gây khó khăn cho công tác cập nhật danh sách và quản lý. Nhiều phóng viên không đủ điều kiện hành nghề. Một số sử dụng mạng xã hội bày tỏ quan điểm sai trái, lệch lạc, tạo thành những luồng thông tin trái chiều, không mang tính định hướng”.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề nghị: Văn phòng UBND tỉnh cần nâng cao hơn chất lượng các cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí đảm bảo nội dung, đúng và đủ thành phần đối tượng tham dự. Sở Thông tin và Truyền thông nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về báo chí, phổ biến quy chế phát ngôn, quy định làm việc với báo chí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong thời gian đến, các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí tiếp tục bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, theo sát dòng thời sự chủ lưu để thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, góp phần cùng tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

PHƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/202107/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-chi-5743414/