Tăng cường quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, những năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH và CN) đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa. Qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, những năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH và CN) đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa. Qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác tiêu chuẩn hóa, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho trên 100 đơn vị cơ sở sản xuất; tiếp nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy cho 16 doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ quản lý chất lượng, đo lường khí dầu hóa lỏng (LPG) cho 233 cán bộ, nhân viên các cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục hướng dẫn 44 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008 chấp hành đúng Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN của Bộ KH và CN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Trước yêu cầu vừa phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh, đồng thời tránh việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp, hàng năm, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở tham mưu, trình Giám đốc Sở KH và CN phê duyệt kế hoạch thực hiện các cuộc kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với các lĩnh vực. Đặc biệt là các cuộc thanh tra, kiểm tra đòi hỏi cần có yêu cầu nghiệp vụ, trang bị kỹ thuật khá cao trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: vàng trang sức mỹ nghệ; xăng dầu; thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy; LPG; đồ chơi trẻ em… Trong 5 năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra 90 lượt cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện nhiều vi phạm và thu giữ, tiêu hủy 500 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Tổ chức 17 đợt khảo sát, lấy 204 mẫu để thử nghiệm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Kết quả đã phát hiện 46 loại hàng hóa không đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và thông báo tới các sở quản lý chuyên ngành; phát hiện và xử lý nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm về chất lượng xăng và dầu DO theo quy chuẩn quốc gia về xăng dầu QCVN 01:2009 (hàm lượng lưu huỳnh vượt quá giới hạn cho phép); phát hiện 5 chủng loại đồ chơi trẻ em nhiễm kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép (chứa phthalate); 15 loại dây điện, cáp điện không đạt chất lượng... với tổng số tiền phạt các cơ sở vi phạm lên gần 100 triệu đồng và thu giữ, tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng hóa không đạt chất lượng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục đã thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với 109 lô hàng hóa thiết bị điện và điện tử (nồi cơm điện, chảo điện, quạt điện, dây cáp cách điện); sắt thép (sắt lá tráng vecni, thép không hợp kim đã được phủ mạ, tráng crom và phủ plastic); hồ sơ giải quyết qua hệ thống “một cửa quốc gia”; kết quả kiểm tra trên hồ sơ đều đạt yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, Chi cục đã thực hiện với các mặt hàng trang sức và thiết bị điện - điện tử. Kết quả không có vi phạm về mức chất lượng song đã phát hiện 7 cơ sở ghi nhãn hàng hóa chưa đầy đủ theo quy định, 23 cơ sở chưa thực hiện đúng việc công bố và lưu giữ hồ sơ chất lượng. Quá trình kiểm tra, Chi cục đã chấn chỉnh và yêu cầu cơ sở khắc phục các vi phạm.
Trong hoạt động đo lường, năm 2020, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện 7 đợt kiểm tra Nhà nước về đo lường tại 78 cơ sở sử dụng phương tiện đo và thực hiện phép đo trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh điện năng, phương tiện đo taximet gắn trên taxi và hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo. Trong quá trình kiểm tra phát hiện 1 cột đo xăng dầu có sai số không phù hợp; 6 công tơ điện và máy biến dòng điện (TI) không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường; 11 tem kiểm định chưa thể hiện thông tin hiệu lực; 17 giấy chứng nhận kiểm định ghi chưa đúng quy định; 35 cơ sở lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra chưa đầy đủ. Chi cục đã chấn chỉnh ngay trong quá trình kiểm tra và các cơ sở đã chấp hành. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tiếp nhận và tổ chức xác định sai số đo lường của 93 công tơ điện 1 pha và 3 pha theo đề nghị của Công ty Điện lực Nam Định. Kết quả, 90 công tơ điện đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, 3 công tơ không đạt yêu cầu.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Những năm qua, Chi cục và các cơ quan liên quan đã phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã góp phần đảm bảo tăng cường hiệu quả, hiệu lực, thống nhất, tránh những hạn chế, bất cập trong phân công nhiệm vụ dẫn đến công tác quản lý chồng chéo, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất và kinh doanh. Hoạt động kiểm tra Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tăng về số lượng, tần suất và thường xuyên thay đổi phương thức kiểm tra nên đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm, yêu cầu khắc phục kịp thời những hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và ghi nhãn của sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn khi kinh phí cho việc lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng không nhiều nên khó đánh giá một cách khách quan về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Khắc phục những khó khăn này, thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục xác định hoạt động kiểm tra, thanh tra có ý nghĩa quan trọng không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng mà còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên thị trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh