Tăng cường quản lý rừng, phát huy giá trị đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Lào Cai

Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Lào Cai nhằm lưu giữ nhiều thảm thực vật và đa dạng sinh học.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được thành lập từ năm 2016 với tổng diện tích 18.637 ha (có 16.764 ha rừng ), gồm 20 tiểu khu, với hơn 15.000 ha rừng tự nhiên, nằm trên địa giới hành chính của 5 xã Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và xã Nậm Pung thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Từ khi thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động (10/2017) cho đến nay, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát với khoảng 10 cán bộ đã bám sát các nhiệm vụ được giao để tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng, tổ chức khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh các loài cây bản địa; phục hồi các hệ sinh thái rừng và cảnh quan, tạo điều kiện cho các loài động, thực vật tồn tại và phát triển; xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, lồng ghép các nguồn vốn tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn tham gia vào hoạt động bảo tồn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, nên rừng cơ bản được giữ vững, các mục tiêu và các dự án bảo tồn triển khai thực hiện có hiệu quả.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát là nơi có hệ sinh thái tự nhiên ít bị tác động ở độ cao trên 700 m, với nhiều kiểu thảm thực vật rừng, có giá trị đa dạng sinh học cao. Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có 5 hệ sinh thái gồm rừng, đồng cỏ, sông, suối, ao hồ, làng xóm và hệ sinh thái đồng ruộng, nương rẫy. Các hệ sinh thái này có diện tích không đồng đều và bị chia cắt nhiều.

Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh ôn đới núi cao, lạnh; kiểu thảm thực vật rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi trung bình; kiểu thảm thực vật rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi thấp; kiểu thảm thực vật rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp.

Theo khảo sát đa dạng sinh học (tháng 3/2021) và tập hợp tài liệu hiện có tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát nhóm nghiên cứu đã thống kê được 974 loài Thực vật bậc cao có mạch thuộc 565 chi và 156 họ của 6 ngành thực vật khác nhau.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có nhiều thảm thực vật và đa dạng sinh học.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có nhiều thảm thực vật và đa dạng sinh học.

Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát trong thời gian qua thực hiện tốt công tác thừa hành pháp luật về lâm nghiệp, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và đình chỉ, xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.

Trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, luôn phối hợp quản lý với các cơ quan chức năng, đơn vị giáp ranh và chính quyền địa phương được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Đồng thời, Ban quản lý triển khai thực hiện hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần lớn cho Khu bảo tồn chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động tuần tra, ngăn chặn các mối đe dọa đến tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát vẫn còn có một số hạn chế, nguyên nhân là do quản lý diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Có cư dân sinh sống ven rừng và trong ranh giới rừng đặc dụng, hàng ngày vào rừng kiếm củi, làm rẫy, chăn thả gia súc, săn bắn, sử dụng lửa không đúng quy định. Một số khu có điểm thăm quan du lịch nằm trong rừng và ven rừng, du khách vào tham quan du lịch sử dụng lửa bất cẩn thận rất dễ gây ra cháy rừng.

Nhận thức về vai trò, chức năng và giá trị của rừng đối với tính bền vững môi trường ở các xã vùng đệm còn hạn chế, chưa đánh giá đúng các giá trị môi trường của rừng đem lại trong cộng đồng địa phương. Nhu cầu về gỗ, đất sản xuất của người dân địa phương ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, lấn, chiếm đất rừng,... vẫn còn xảy ra, gây áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Lực lượng mỏng cũng là hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên.

Lực lượng mỏng cũng là hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên.

Chính sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học còn nhiều hạn chế, chưa hợp lý và chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Các nguồn lực đầu tư khác chưa được quan tâm để kêu gọi tham gia công tác xã hội hóa nghề rừng. Vì vậy công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn.

Đức Mậu - Trần Tuấn

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/khu-bao-ton-thien-nhien-bat-xat-lao-cai-da-dang-sinh-hoc-va-nhieu-tham-thuc-vat-90844.html