Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025

Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tập trung đổi mới toàn diện, tạo động lực mạnh mẽ, huy động cao nhất mọi nguồn lực trong việc đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ, dự án. Hiện đại hóa hệ thống quản lý ngành, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu một cấp về TN&MT thống nhất, đồng bộ và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Theo Sở TN&MT An Giang, lĩnh vực quản lý đất đai sẽ tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức lập phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai tỉnh An Giang, lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Đo đạc lập bản đồ địa chính bổ sung, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại để kiểm soát, quản lý chặt chẽ từng thửa đất, chia sẻ thông tin quản lý thị trường bất động sản; đăng ký đất đai được thực hiện ngay trên hệ thống mạng, góp phần cải cách TTHC.

Tăng cường việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, triển khai thực hiện hiệu quả và đúng tiến độ dự án tăng cường quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh An Giang (VILG) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tiếp tục cải cách TTHC về đất đai; chủ động hướng dẫn TTHC, thực hiện liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai để giảm bớt hồ sơ, rút ngắn thời gian xác định nghĩa vụ tài chính.

Thu gom rác bảo vệ môi trường

Chủ động lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đáp ứng nhu cầu về đất đai cho phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp; quy hoạch phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển nông thôn mới. Xây dựng các cơ chế, thể chế thúc đẩy hợp tác sản xuất, tập trung đất đai cho sản xuất “Cánh đồng lớn” và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Chủ động tạo quỹ đất thu hút đầu tư, sử dụng quỹ đất như nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, liên tịch nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tự quản, tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ chức quan trắc môi trường định kỳ, liên tục và đột xuất để kịp thời cảnh báo các tai biến môi trường.

Kiểm soát tốt môi trường và bảo vệ các khu bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý các khu, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành trong giải quyết, cải thiện môi trường trên các đoạn sông, kênh, rạch; giám sát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh, các khu, điểm ô nhiễm môi trường. Xử lý dứt điểm các cơ sở ô nhiễm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đóng lấp 27 bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng dự án nâng cao hiệu suất thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Đầu tư hoàn chỉnh nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; mở rộng địa bàn thu gom và xử lý rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật.

Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản: xây dựng phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên phù hợp với quy hoạch của tỉnh, đảm bảo mục tiêu khai thác tài nguyên khoáng sản vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ cảnh quan và môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản. Triển khai kế hoạch đấu giá khoáng sản nhằm khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các khu mỏ đã được cấp phép làm cơ sở tiến hành đóng cửa mỏ đối với các khu vực hết trữ lượng và giám sát các khu mỏ đang hoạt động.

Lĩnh vực tài nguyên nước: hoàn thành điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Đánh giá sức chịu tải của sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh; khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế và khu vực phải thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất.

Tăng cường quan trắc cảnh báo sạt lở định kỳ và đột xuất, cảnh báo sớm để địa phương kịp thời di dời và quy hoạch sắp xếp cơ sở hạ tầng ven sông. Thực hiện mô hình tích trữ nước sinh hoạt cho vùng khô hạn và cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình cấp nước sinh hoạt bán tập trung cho các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm.

Lĩnh vực biến đổi khí hậu: tập trung triển khai cập nhật kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh An Giang. Lập phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Chuyển nhận thức sang hành động cụ thể đóng góp vào việc bảo vệ tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu; chú trọng công tác tạo nguồn lực tài chính cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-quan-ly-tai-nguyen-bao-ve-moi-truong-giai-doan-2021-2025-a298953.html