Tăng cường quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Ngày 16-8, tại TP Hải Phòng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung.

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lam, Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) cho biết, năm 2019, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 64.658 tấn/ngày; trong đó đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 29.034 tấn/ngày. Hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 67.877 tấn/ngày; trong đó đô thị là 38.143 tấn/ngày, nông thôn là 29.734 tấn/ngày.

Về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Việt Nam có 1.548 cơ sở, trong đó cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở; cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn, phân hữu cơ là 30 cơ sở; cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là 1.178 cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại hội thảo.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại hội thảo.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có một đề án, chương trình và dành kinh phí cho việc thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong khu dân cư. Đồng thời, để triển khai hiệu quả công tác này cần có sự vào cuộc của nhà nước, của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Nông dân và Hội phụ nữ đóng vai trò nòng cốt để tuyên truyền về xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tang-cuong-quan-ly-thu-gom-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-789752