Tăng cường quản lý vùng đất bãi ven sông Hồng
Nhằm nâng cao hiệu quả vùng đất bãi ven sông Hồng, thời gian qua tỉnh đã quy hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất gạch tuynel, khu nuôi bò sữa và tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, tại vùng đất bãi ven sông Hồng trên địa bàn hiện vẫn còn nhiều bãi vật liệu xây dựng (VLXD) tự phát làm ảnh hưởng đến môi trường và gây lãng phí đất đai.
Nhằm nâng cao hiệu quả vùng đất bãi ven sông Hồng, thời gian qua tỉnh đã quy hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất gạch tuynel, khu nuôi bò sữa và tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, tại vùng đất bãi ven sông Hồng trên địa bàn hiện vẫn còn nhiều bãi vật liệu xây dựng (VLXD) tự phát làm ảnh hưởng đến môi trường và gây lãng phí đất đai.
Năm 2008, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển đàn bò sữa, gia đình anh Trần Văn Nam, thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) đã mạnh dạn thuê 6,4 mẫu đất bãi ven sông Hồng của xã xây dựng trang trại nuôi bò. Thời gian đầu, anh nuôi vài con bò sữa, sau đó từng bước mở rộng trang trại với quy mô lớn. Đến nay, trang trại của anh có 40 con bò sữa, một ngày thu được khoảng 3 tạ sữa, trừ chi phí thu lãi khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Anh Nam chia sẻ: Muốn nuôi bò sữa thành công, trước hết chủ trang trại phải nắm chắc quy trình kỹ thuật, có vùng trồng cỏ để đủ cung cấp thức ăn cho bò quanh năm; trang trại nằm xa khu dân cư để bảo vệ môi trường. Đối chiếu các tiêu chí trên, trang trại của tôi hoàn toàn chủ động quy trình kỹ thuật nuôi bò sữa, bảo đảm nguồn sữa bò đạt tiêu chuẩn cao và các doanh nghiệp thu mua với giá 12-14 nghìn đồng/kg.
Mô hình nuôi bò sữa của anh Trần Văn Nam chỉ là một trong gần 50 trang trại nuôi bò ở xã Mộc Bắc. Thực hiện chủ trương chuyển đổi vùng đất bãi sang nuôi bò, xã Mộc Bắc đã xây dựng được hàng chục trang trại nuôi bò sữa với quy mô lớn, hộ nuôi ít cũng 10 – 20 con. Mô hình nuôi bò sữa đã đem lại thu nhập cao và giúp cho nhiều nông dân ở xã vươn lên làm giàu. Hiện tại một năm riêng nuôi bò sữa đã đem lại thu nhập cho các hộ dân ở xã Mộc Bắc 40 – 50 tỷ đồng. Ngoài trang trại của hộ gia đình, khu đất bãi ven sông Hồng ở xã Mộc Bắc còn bàn giao cho Công ty Friesland Campina Hà Nam gần 66 ha, xây dựng các trang trại nuôi bò sữa tập trung theo mô hình cung cấp nguyên vật liệu cho nhà máy tại Hà Nam.
Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: Nuôi bò sữa chỉ là một trong nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Mộc Bắc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Mộc Bắc tiếp tục duy trì và phát triển cây trồng có giá trị hàng hóa cao trên vùng đất bãi như chuối tây, chuối tiêu hồng, cây dược liệu. Qua thực tế các mô hình chuyển đổi sang trồng cây màu hàng hóa có giá trị kinh tế cao đem lại thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng ngô và các loại cây lương thực khác. Quan điểm chỉ đạo của UBND xã Mộc Bắc, bố trí đủ diện tích đất bãi cho bà con trồng cỏ nuôi bò, còn lại khuyến cáo bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây màu hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao hiệu quả vùng đất bãi.
Cùng với xã Mộc Bắc, thời gian qua hầu hết các xã ven sông Hồng đã chuyển đổi đất bãi sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi bò sữa. Ở các xã Nguyên Lý, Nhân Thịnh, Hòa Hậu (Lý Nhân) còn thực hiện việc chuyển đổi vùng đất bãi sang phát triển sản xuất VLXD. Đến nay, khu vực đất bãi ven sông Hồng đã có 8 nhà máy sản xuất gạch nung với công suất hàng trăm triệu viên/năm, thường xuyên giải quyết việc làm cho 500 – 700 lao động. Các nhà máy sản xuất gạch nung ở khu vực đất bãi ven sông Hồng hiện cung cấp VLXD chủ yếu cho các hộ dân sinh sống trong tỉnh và một số vùng lân cận. Ngoài ra, ở vùng đất bãi cũng đã được bổ sung quy hoạch, xây dựng các cảng tập trung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa.
Bên cạnh việc quy hoạch phát triển các nhà máy sản xuất VLXD, xây dựng cảng tập trung, chăn nuôi bò sữa, hiện nay vùng đất bãi ven sông Hồng vẫn còn tồn tại nhiều bãi VLXD không nằm trong vùng quy hoạch. Các bãi vật liệu tồn tại từ nhiều năm qua, song tập trung chủ yếu ở gần quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường trục xã… dễ dàng cho khâu vận chuyển hàng hóa từ tàu thủy lên bãi VLXD. Hàng hóa tập kết về bãi VLXD chủ yếu là cát vàng, cát đen, than và một số VLXD khác. Hầu hết bãi VLXD ven sông chủ yếu phát triển theo hướng tự phát, do người dân tự đứng ra thuê đất sản xuất nông nghiệp của bà con, đất UB quản lý, rồi san gạt, xây dựng làm bãi chứa VLXD.
UBND huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên cũng đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý các bãi VLXD ven sông. Đối với một số bãi VLXD có đủ điều kiện về diện tích, phù hợp với việc kết nối hạ tầng giao thông trong khu vực, địa phương cũng đã đề nghị và được các cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch. Riêng với những bãi VLXD không đủ điều kiện làm bến, bãi, yêu cầu các xã tăng cường công tác quản lý và đề nghị các hộ ngừng hoạt động.
Để tăng cường quản lý vùng đất bãi ven sông Hồng, thiết nghĩ thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình hoàn thiện thủ tục xây dựng bãi VLXD ven sông. Các vị trí có quy hoạch có thể cho đấu giá để nâng cao hiệu quả nguồn thu cho ngân sách. Đối với bãi VLXD không thuộc diện quy hoạch, các cấp, các ngành cần kiên quyết xóa bỏ để hạn chế ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, đê điều và vi phạm Luật Đất đai.