Tăng cường quản lý xe đưa đón học sinh, công nhân
Dịch vụ xe ô tô đưa, đón học sinh tại các địa phương và công nhân các Khu công nghiệp ở tỉnh ta thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động và học sinh. Sự phát triển của dịch vụ này, không những bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), yên tâm cho người tham gia dịch vụ mà còn góp phần chống ùn tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến giao thông trong khu vực. Để thực hiện tốt quy định của Nhà nước, ngành chức năng, chính quyền các cấp đã tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền và nâng cao công tác quản lý các loại phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn.
Dịch vụ xe ô tô đưa, đón học sinh tại các địa phương và công nhân các Khu công nghiệp ở tỉnh ta thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động và học sinh. Sự phát triển của dịch vụ này, không những bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), yên tâm cho người tham gia dịch vụ mà còn góp phần chống ùn tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến giao thông trong khu vực. Để thực hiện tốt quy định của Nhà nước, ngành chức năng, chính quyền các cấp đã tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền và nâng cao công tác quản lý các loại phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa (Lý Nhân) và Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (thành phố Phủ Lý) trực tiếp ký kết hợp đồng giữa nhà trường với gia đình phục vụ việc đưa, đón học sinh ngay tại nhà hoặc điểm tập trung. Các nhà trường đã đầu tư ô tô mới, hiện đại và thực hiện nghiêm túc quy định đối với lái xe, phụ xe cam kết đưa, đón học sinh bảo đảm an toàn. Ông Trần Doãn Hinh, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa cho biết: Năm học này, trường có 231 học sinh, với 6 ô tô các loại đưa đón học sinh. Các xe được đầu tư mới (sản xuất từ năm 2017 – 2018). Lái xe được tuyển chọn, có đạo đức và sức khỏe tốt, phương tiện thường xuyên được bảo dưỡng, thay thế định kỳ theo quy định. Trên mỗi chuyến xe nhà trường bố trí 2 người chịu trách nhiệm kiểm đếm, rà soát và đảm nhiệm việc nhận, giao trẻ tại nhà. Nhà trường thực hiện phương châm đi đến nơi an toàn, về đến nhà an toàn và mỗi ngày đến trường là một ngày vui của con trẻ.
Để bảo đảm an toàn, nhất là xe ô tô vận tải hành khách, xe đưa, đón học sinh, công nhân, vừa qua ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra, rà soát các loại phương tiện trên địa bàn. Qua đó, tuyên truyền, nhắc nhở chủ xe, người điều khiển phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành quy định và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý những xe chưa được cấp phù hiệu, hết niên hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng và phối hợp giải tỏa giao thông không để xảy ra ùn tắc trước cổng trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền và ký cam kết với các chủ xe tham gia dịch vụ vận tải hành khách. Riêng với dịch vụ đưa, đón học sinh bằng ô tô, mới đây, có thêm trường THCS Nguyễn Khuyến và trường tiểu học, mầm non An Nội ký hợp đồng với chủ xe, chính quyền địa phương, Ban đại diện hội phụ huynh nhà trường.
Tại Trường Tiểu học xã Thanh Hà (Thanh Liêm) từ nhiều năm nay các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương ký cam kết với các chủ xe đưa, đón học sinh bằng ô tô. Ảnh: Thống Thảo
Ông Trần Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã An Nội cho biết: Bước vào năm học mới, UBND xã yêu cầu các nhà trường tăng cường các biện pháp tuyên truyền về đảm bảo ATGT và có biên bản ký cam kết giữa các bên tham gia dịch vụ đưa, đón học sinh. Trên cơ sở đó, vi phạm xảy ra tùy theo mức độ sẽ quy trách nhiệm cụ thể để xử lý theo quy định. Riêng trường mầm non, Ban giám hiệu yêu cầu hằng ngày chủ nhiệm các lớp giao nhận, trả học sinh và ký nhận trực tiếp với chủ phương tiện...
Còn tại huyện Thanh Liêm ngành chức năng đã ký cam kết với 30 chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải hành khách, xe đưa, đón học sinh tuân thủ theo các quy định bảo đảm ATGT. Qua kiểm tra, rà soát đã xử lý 6 xe vi phạm về hết hạn kiểm định, trong đó 3 xe hết niên hạn sử dụng do sản xuất từ năm 2003. Sau khi lập biên bản, chủ phương tiện cam kết không lưu hành, thanh lý phương tiện và đầu tư ô tô mới để tham gia dịch vụ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của huyện yêu cầu chủ xe, lái xe đưa, đón học sinh ở các xã: Thanh Hà, Liêm Cần, Thanh Nguyên, Thanh Nghị đưa đón đúng điểm tập trung, không tùy tiện dừng xe lên xuống ven đường ảnh hưởng tới các phương tiện lưu thông qua địa bàn; cử lực lượng cảnh sát giao thông, công an xã, thị trấn thường xuyên tuần tra, phân luồng giao thông tại khu vực có mật độ phương tiện gia tăng ở giờ cao điểm. Được biết, hiện, trên địa bàn thị xã Duy Tiên cũng có khoảng 40 xe ô tô, trong đó 30 xe đưa, đón công nhân tại các Khu công nghiệp Đồng Văn.
Anh Hà Đức Huy – lái xe chở công nhân tuyến Phủ Lý – Khu công nghiệp Đồng Văn chia sẻ: Để bảo đảm an toàn tối đa cho người sử dụng dịch vụ, trước khi khởi hành, tôi đều phải kiểm tra an toàn xe, trong quá trình lưu thông trên đường tôi luôn thực hiện dừng, đỗ đúng điểm, không chở quá số người cho phép. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định bảo đảm ATGT trên cả hành trình. Thường xuyên yêu cầu chủ xe thay thế, sửa chữa phụ tùng, thiết bị và đăng kiểm theo quy định...
Để nâng cao hiệu quả và bảo đảm trật tự vận tải khách bằng xe hợp đồng vận chuyển đưa, đón học sinh và công nhân, thời gian tới, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh, công nhân, người lao động, doanh nghiệp, trường học không ký hợp đồng, sử dụng dịch vụ đối với các nhà xe không đủ điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hợp đồng đưa, đón học sinh và công nhân nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách. Ô tô phải được kiểm định an toàn kỹ thuật, có phù hiệu kinh doanh vận tải, trang thiết bị bắt buộc như: camera giám sát, thiết bị GPS; lái xe phải có giấy phép lái xe phù hợp, chỉ được vận chuyển đúng số người theo quy định. Hy vọng, với việc thực hiện tốt các biện pháp trên, sẽ góp phần nâng cao công tác bảo đảm trật tự ATGT và chất lượng hoạt động của dịch vụ vận chuyển học sinh, người lao động bằng xe ô tô trên địa bàn.