Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng để huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, không thế lực nào có thể can thiệp, chi phối, cản trở. Công tác này được các cấp ủy trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện với quyết tâm chính trị cao và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, xuyên suốt, toàn diện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tiếp thu, quán triệt thực hiện nghiêm, đầy đủ các văn bản của Trung ương về phòng, chống tham nhũng và kịp thời chỉ đạo cụ thể hóa để triển khai thực hiện có hiệu quả. Trọng tâm, trong 9 tháng đầu năm 2022, đã ban hành Quyết định số 677-QĐ/TU, ngày 21/4/2022 về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; Công văn số 648-CV/TU, ngày 25/5/2022 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, đã ban hành Quyết định số 702-QĐ/TU, ngày 8/6/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng; đây là quyết sách đúng đắn, có tính tất yếu, phù hợp thực tiễn tình hình hiện nay. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh gồm 15 thành viên, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng giữ vai trò Trưởng Ban chỉ đạo; ban hoạt động với một quy chế làm việc chặt chẽ, trách nhiệm trên nguyên tắc, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác và cách thức, trình tự giải quyết công việc. Từ đó, các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh được đưa ra xem xét kịp thời và xử lý triệt để.
Trên tinh thần quán triệt và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, các ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và ban hành 142 văn bản mới để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng theo chức trách, nhiệm vụ, trong đó, muốn hoạt động hiệu quả thì phải nâng cao nhận thức nên các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng trong các kỳ hội nghị đảng viên, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với 417 cuộc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực khác. Riêng đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, định kỳ trên các kênh thông tin đại chúng. Thanh tra tỉnh quan tâm tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; quy định về công khai, minh bạch của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ trong hoạt động phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng.
Thực tế, từ cơ sở đến tỉnh còn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng trên từng lĩnh vực công tác. Khi đó, các đơn vị, địa phương luôn chú trọng công khai, minh bạch trong hoạt động, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng. Quan tâm xây dựng mới 144 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; sửa đổi, bổ sung 88 văn bản phù hợp với chế độ, định mức, tiêu chuẩn hiện hành và tổ chức 5 cuộc kiểm tra liên quan việc thực hiện các quy định này (chưa phát hiện sai phạm). Với lại, trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng thì sự nêu gương của người đứng đầu và quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có một vị trí khá quan trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thanh tra thực hiện lồng ghép nội dung này trong các cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, góp phần gìn giữ liêm chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ...
Các ngành, các cấp còn đẩy mạnh việc xử lý và phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết 23 tin báo; đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử 14 vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng trên địa bàn tỉnh và tổng tài sản thiệt hại, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực gần 6 tỷ đồng, thu hồi tài sản đạt trên 43%... Từ đó, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sắc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch hoạt động năm 2022 và Chương trình số 21-CTr/TU, ngày 2/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực kết hợp với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, nhất là các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; có biện pháp bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng.
Sự quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của các cấp, các ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch. Đồng thời, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững và môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện sử dụng hiệu quả, tập trung nguồn lực cho sự phát triển.