Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập', công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực; các phong trào 'Học tập suốt đời', 'Xây dựng xã hội học tập', mỗi người dân là 'Công dân học tập' đã phát triển sâu rộng.
Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị đưa nội dung về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm.
Bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Là cơ quan chuyên trách, Hội đã tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Kết luận số 49-KL/TW phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Tập trung tuyên truyền về phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; xây dựng “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”, “Gia đình hiếu học”...
Hằng năm, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo công tác phát triển tổ chức hội, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập. Nhờ vậy, tổ chức hội đã phát triển rộng khắp từ tỉnh đến các tổ, bản, tiểu khu, gồm 1 hội khuyến học cấp tỉnh; 12 hội khuyến học huyện, thành phố; 204 hội khuyến học xã, phường, thị trấn; 2.248 chi hội khuyến học tổ, bản, tiểu khu; 679 dòng họ học tập, 404 ban khuyến học; 704 chi hội khuyến học trong các trường học; 55 chi hội trong các doanh nghiệp, với tổng số trên 351.000 hội viên, chiếm 28% dân số toàn tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị lực lượng vũ trang đều có tổ chức hội khuyến học hoạt động hiệu quả.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng tham gia công tác khuyến học; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học, học thường xuyên, học suốt đời. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng mô hình xã hội học tập khu vực biên giới, tổ chức các lớp xóa mù chữ trong các trại giam, các cơ sở cai nghiện, xóa mù chữ cho nhân dân vùng biên giới; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các thư viện, trường học; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ công nhân lao động về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau giáo dục phổ thông.
Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Hằng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện biên giới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Phân công cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có năng lực, kỹ năng sư phạm tham gia dạy các lớp xóa mù chữ. Từ năm 2012 đến nay, các Đồn Biên phòng: Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp; Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, đã phối hợp tổ chức được gần 40 lớp xóa mù chữ, với hàng nghìn học viên, góp phần xây dựng xã hội học tập khu vực biên giới của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 247 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và 11 trung tâm GDTX cấp huyện; 204 trung tâm học tập cộng đồng; 21 trung tâm ngoại ngữ; 1 trung tâm tin học; 9 cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống; 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập và 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập. Hoạt động của các trung tâm này đã hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, giáo viên và người dân.
Năm 2024, thành phố Sơn La được ghi danh vào “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực xây dựng xã hội học tập của tỉnh Sơn La nói chung và thành phố Sơn La nói riêng. Đồng thời, là động lực quan trọng để công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.
Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng xã hội học tập. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học tỉnh với các sở, ban, ngành, đoàn thể về tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thực hiện phong trào mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân.