Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kết luận số 1110-KL/TU, ngày 5/4/2025 đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 28/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kết luận số 1110-KL/TU, ngày 5/4/2025 đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 28/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, công tác chăm sóc người có công của tỉnh đã trở thành hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu rộng và đạt được kết quả quan trọng. Hiện nay, 97,68% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. Các chính sách ưu đãi như: trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, phong trào tình nghĩa… được thực hiện đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, không có hồ sơ tồn đọng chưa được xem xét, giải quyết… Đời sống của các hộ gia đình chính sách nhìn chung ổn định.

Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, như: công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ở một số đơn vị, địa phương cấp cơ sở có lúc chưa thường xuyên, hiệu quả, thiếu kịp thời; một bộ phận người có công còn gặp khó khăn thuộc diện nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới…

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa; tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, điều dưỡng sức khỏe, xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công, thân nhân người có công…

Bùi Minh (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/200075/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-nguoi-co-cong-voi-cach-mang.htm