Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản
Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025 nêu rõ: Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa.
Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025 nêu rõ: Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa.
Việc quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật; đồng bộ, nhất quán về cơ chế, chính sách, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên của quốc gia, của vùng và của tỉnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết 09, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản; đưa công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế mà nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản mang lại.
Tại huyện Thanh Liêm, thực hiện Nghị quyết 09, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 162 về triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai và Kế hoạch số 163 về triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, người dân về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản từng bước được nâng lên. Thực hiện Nghị quyết 09, Thanh Liêm đặt ra yêu cầu cần khắc phục kịp thời, triệt để những tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản.
Bà Lại Thị Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Huyện Thanh Liêm đã ban hành 2 kế hoạch riêng biệt, một về quản lý sử dụng đất đai và một về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Bảo đảm thực hiện kế hoạch đề ra, Thanh Liêm chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phối hợp trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản bảo đảm thuận lợi, hiệu quả. Riêng đối với công tác quản lý khoáng sản, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Địa phương nào để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài, không được phát hiện, xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự, gây bức xúc cho người dân thì chủ tịch UBND cấp xã nơi đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện.
Còn tại thành phố Phủ Lý, công tác quản lý, sử dụng đất đai được xác định thực hiện thường xuyên, liên tục; khắc phục các vi phạm, khuyết điểm; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hình thức vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Kế hoạch thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai được triển khai đến các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã và xuống từng tổ dân phố, thôn, xóm nhằm tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân; nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện thống nhất từ thành phố đến cơ sở về các giải pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng đất hiệu quả, bền vững.
Ông Trịnh Minh Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phủ Lý cho biết: UBND thành phố giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các phòng, ban rà soát các quy định của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục hành chính; cơ chế, chính sách đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… để tham mưu với UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định không còn phù hợp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phòng cũng tích cực tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản quy định về giao đất, cho thuê đất khi có các quy định của UBND tỉnh đối với các thửa đất nhỏ hẹp theo quy định.
Nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đất đai và khoáng sản, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành cần quản lý nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản một cách khoa học, hiện đại; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, khoáng sản bằng công nghệ số. Đi liền với đó, tỉnh giao cho các cấp, ngành tham mưu sớm hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, có các giải pháp hiệu quả bảo vệ, sử dụng, khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt là quan tâm xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện nghiêm kế hoạch, lộ trình đã đề ra để khắc phục những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản đã được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tỉnh chỉ đạo cần thực hiện chặt chẽ, đúng quy định việc thẩm định các điều kiện được giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là việc ký quỹ đầu tư trước khi thực hiện giao đất, cho thuê đất; thực hiện tốt công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định và các quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thuê đất, đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đối với các tổ chức đã được cấp phép khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản.
Thực tế, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế: Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch hạ tầng cho hoạt động khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa dự báo và tính toán đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương; một số nơi, vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển nhượng trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; việc đo đạc, lập bản đồ địa chính bằng công nghệ số, công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp, chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý khai thác, chế biến khoáng sản có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản chưa kịp thời, chất lượng còn hạn chế; chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm…
Để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trên, Nghị quyết 09 chỉ rõ các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, giám sát của Hội đồng nhân dân và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên và trước pháp luật về công tác quản lý đất đai, khoáng sản của địa phương mình.
Cùng với đó, tỉnh cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản; rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định để bảo đảm việc quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, khoáng sản và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản… Đi liền với đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản.