Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đối ngoại
Đồng chí Trần Hữu Thế tặng quà cho ngài Plam Andrey Yurievich, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng (ảnh chụp hồi tháng 4/2021). Ảnh: TRẦN QUỚI
Ngày 14/12 vừa qua, tại Hà Nội, lần đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập cũng như từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng ta tổ chức một hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc. Hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đất nước ta vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn so với dự báo.
Vai trò quan trọng trong dựng xây đất nước
Công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng với bất cứ quốc gia nào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Giở lại lịch sử dân tộc, chúng ta tự hào và học tập nhiều bài học giá trị về công tác đối ngoại, mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, truyền thống đó, bài học đó đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo!”; “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh, mở nền muôn thủa thái bình!” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi). Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
“Tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác đối ngoại, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng ghi rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại là thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước; tích cực góp phần tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam.
Chú trọng công tác đối ngoại
Năm 2021, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp khó lường, đại dịch COVID-19 trên thế giới đe dọa thành tựu phát triển của các quốc gia. Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, định hướng về đối ngoại địa phương của Chính phủ, công tác đối ngoại của tỉnh kiên trì triển khai các mục tiêu đề ra, linh hoạt và đổi mới trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành và quản lý của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác đối ngoại của Phú Yên đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều mặt công tác đã đi vào chiều sâu, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế của tỉnh. Triển khai định hướng công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2018-2021 trên cơ sở kết quả Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, tỉnh Phú Yên xác định mục tiêu đối ngoại trong giai đoạn này là xây dựng và phát triển mạng lưới đối tác nước ngoài, tăng cường quảng bá tiềm năng thế mạnh, giá trị văn hóa của tỉnh với đối tác nước ngoài, góp phần xây dựng hình ảnh Phú Yên năng động, thân thiện với bạn bè quốc tế.
Công tác đối ngoại trên các lĩnh vực trong năm 2021 đạt nhiều kết quả khích lệ. Về các đối tác địa phương nước ngoài, năm 2021, tỉnh tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác cấp địa phương đã có các thỏa thuận ký kết với Phú Yên là Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Savanakhet (Lào), tỉnh Hajdu Bjhar (Hungary), quận Seongdong, Seoul (Hàn Quốc)... Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng ngành Ngoại vụ tỉnh cũng tổ chức thành công hợp tác với các tổ chức quốc tế đa phương. Năm 2021, UBND tỉnh cho phép Sở KH-CN ký thỏa thuận quốc tế với Tổ chức Năng suất châu Á APO về hợp tác phát triển năng lực hệ thống bảo quản lạnh giai đoạn 2021-2031; đồng thời tích cực thúc đẩy hoạt động hợp tác với Ngân hàng Thế giới theo khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác thiết lập quan hệ đối tác cho các liên kết chiến lược Phú Yên - WB ký năm 2020.
Phú Yên đã tổ chức thành công 2 hội nghị, hội thảo quốc tế, gồm: Hội nghị đối tác phát triển Phú Yên - Lãnh sự đoàn do Chủ tịch UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng Lãnh sự đoàn tại TP Hồ Chí Minh - Tổng Lãnh sự Hà Lan đồng chủ trì. Hội nghị EVFTA - cơ hội cho hàng chủ lực của tỉnh Phú Yên do Sở Ngoại vụ và Quỹ FNF, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (Bộ KH-ĐT) đồng chủ trì. Ngoài ra, tỉnh tổ chức 4 sự kiện trực tuyến với các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế.
Ngoại giao kinh tế ngày càng được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại. Nội dung hợp tác với các đối tác truyền thống ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Đối với công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài, hiện Phú Yên có 32 tổ chức đã đăng ký hoạt động tại địa phương, trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường và các vấn đề xã hội.
Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại, báo chí; văn hóa đối ngoại; biên giới lãnh thổ; lãnh sự và bảo hộ công dân; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài… được triển khai đúng quy định, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đến với bạn bè thế giới.
Công tác đối ngoại thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước; tích cực góp phần tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam.