Tăng cường sự phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội ở địa phương
Nghiên cứu khoa học xã hội là lĩnh vực rất được quan tâm, thông qua hoạt động tìm hiểu thực trạng, đề ra định hướng phát triển của địa phương. Hiện nay, tỉnh ta có một số cơ quan chuyên nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp là một trong những đơn vị đảm nhiệm chức năng nghiên cứu về văn hóa, lịch sử địa phương Nam bộ và Đồng Tháp.
Góp phần làm giàu đẹp, phong phú bản sắc dân tộc
Trong thời đại ngày nay, khi yếu tố kinh tế, thị trường chi phối mạnh mẽ đời sống, văn hóa, xã hội của con người, việc nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại càng cần thiết bên cạnh lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Điều này lại càng quan trọng đối với những địa phương có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng như tỉnh Đồng Tháp. Quan trọng hơn, bản chất của ngành khoa học xã hội thường được biết đến là sự gắn liền với việc xây dựng, trau dồi nhân cách, tình cảm của con người, góp phần làm giàu đẹp, phong phú bản sắc dân tộc và truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Trong những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp hỗ trợ công tác biên soạn, tư vấn, phản biện nhiều công trình về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc. Hoạt động này càng được đẩy mạnh trong những năm gần đây với sự ra đời liên tục của các chủ trương đẩy mạnh công tác lịch sử địa phương, gần nhất là Hướng dẫn số 45-HD/BTGTU ngày 28/10/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về thực hiện quy trình nghiên cứu, biên soạn công trình lịch sử theo “cơ chế đặt hàng” đề tài khoa học và công nghệ. Đó là cơ sở quan trọng định hướng một cách bài bản cho công tác nghiên cứu khoa học nói chung, trong đó có biên soạn lịch sử địa phương nói riêng ở tỉnh Đồng Tháp.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp xuất bản nhiều công trình có giá trị nghiên cứu lịch sử và phục vụ cho nhiều sự kiện trọng đại của tỉnh nhà. Hầu hết các công trình xuất bản đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, truyền thống quý báu của dân tộc đến cộng đồng, xã hội. Các công trình này được thực hiện dưới các thể loại như: biên khảo địa danh - nhân vật; khảo cứu văn hóa - lịch sử địa phương; chuyện xưa tích cũ, văn nghệ dân gian; địa danh lịch sử - văn hóa... Riêng lịch sử truyền thống cách mạng và lịch sử Đảng bộ địa phương cũng được triển khai sôi nổi và đa số các huyện, xã đều có biên soạn. Bên cạnh đó còn có các công trình của cá nhân chuyên sâu về một lĩnh vực, một giai đoạn lịch sử đóng góp nhiều vấn đề khoa học định hướng nghiên cứu và làm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm tìm hiểu, học hỏi.
Phát huy tinh thần hợp tác
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội chỉ có thể đạt được hiệu quả khi áp dụng các phương pháp liên ngành, có sự phối hợp giữa nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị trước yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học làm ra. Do đó, những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử tăng cường phối hợp với các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong công tác biên soạn, tư vấn, phản biện công trình lịch sử. Đồng thời phối hợp với các cá nhân, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài địa phương đối với những công trình khoa học xã hội có tính chất liên vùng. Chính những hoạt động đó đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác sưu tầm tư liệu, phục vụ cho nhiều mặt công tác chuyên môn của Hội và phối hợp liên tịch với các đơn vị bạn.
Là thành viên gắn liền với hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp đang đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong một số đề tài về khoa học xã hội, nhất là lịch sử ngành và lịch sử địa phương. Theo đó, công tác phối hợp với nhiều hoạt động như: sưu tầm tài liệu, biên soạn theo từng giai đoạn, phối hợp thực hiện các quy trình, thủ tục thực hiện đề tài có liên quan... Hoạt động hợp tác giữa 2 đơn vị mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ giúp ích cho công việc chung của địa phương mà còn tăng cường hiệu quả công tác chuyên môn của từng đơn vị. Điều này lại càng quan trọng trong tình hình tỉnh ta hiện nay thực hiện chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp”. Việc phát huy tinh thần hợp tác là một trong những yếu tố cốt lõi, quyết định thành công trong công việc, hoạt động chuyên môn. Qua đó, vừa bổ sung các lĩnh vực nghiên cứu cho nhau thông qua ứng dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành khoa học tự nhiên - khoa học xã hội, vừa hỗ trợ các mặt công tác chuyên môn để hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ của địa phương, của ngành giao cho. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Hội Khoa học Lịch sử và Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo...