Tăng cường sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận về xã hội hóa phương tiện tránh thai

Sau 5 năm triển khai, Đề án 818 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, cũng có những vấn đề cần phải điều chỉnh, đặc biệt, nhiều tỉnh/thành phố chưa thật sự có nhận thức và chưa vào cuộc để thực hiện Đề án.

Sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015 về việc phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (Đề án 818) và Quyết định 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước đã đem lại những kết quả bước đầu cũng như bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định.

Theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818, việc triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa. Hơn 10 triệu đơn vị sản phẩm(trong đó hơn 9 triệu bao cao su, hơn 850 ngàn vỉ uống tránh thai và 1.200 vòng tránh thai) là phương tiện tránh thai được phân phối, góp phần bảo vệ tránh thai hàng trăm nghìnlượt cặp vợ chồng/năm và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.

Đẩy mạnh truyền thông xã hội hóa phương tiện tránh thai tại Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Minh Hy

Đẩy mạnh truyền thông xã hội hóa phương tiện tránh thai tại Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Minh Hy

Bên cạnh đó, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước chi cho việc thực hiện KHHGĐ khoảng 40 tỷ đồng, trung bình 8 tỷ đồng/năm. Thành công này đã đóng góp một phần đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai của nhân dân, tạo sự phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu của Chương trình KHHGĐ/SKSS trong tình hình mới.

Tuy nhiên, kể từ khi triển khai, Đề án 818 cũng gặp phải những khó khăn như: Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu y tế - dân số phân bổ chậm. Trong khi đó nguồn lực triển khai xã hội hóa còn hạn chế, kinh phí Trung ương hạn hẹp, không có kinh phí để hỗ trợ thường xuyên cho địa phương. Do đó, địa phương gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt đề án/kế hoạch cũng như triển khai hoạt động xã hội hóa (vẫn còn 14/63 tỉnh, thành phố (chiếm 22,22%) gặp khó khăn trong việc phê duyệt Đề án/kế hoạch xã hội hóa).

Cùng với đó, số lượng đơn vị tham gia cung ứng sản phẩm xã hội hóa còn hạn chế do chưa có cơ chế khuyến khích, huy động các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia. Mặt khác, dù đã có nhiều mô hình, giải pháp nhưng cũng chưa thật sự đem lại hiệu quả.

Đặc biệt, theo nhận định của Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818, sau 5 năm triển khai, Đề án chưa có được sự thống nhất và quyết tâm của toàn bộ hệ thống, nhiều tỉnh/thành phố chưa thật sự có nhận thức và chưa vào cuộc nên việc triển khai phân phối hàng hóa của Đề án vẫn còn thụ động, còn nhiều bất cập; chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị, là giải pháp đáp ứng nhu cầu cho người dân và cũng chưa hiểu hết được lợi ích của việc xã hội hóa cho ngành mình, cho bản thân mình.

Thực tế, sau một thời gian thực hiện cho thấy, ở một số tỉnh/thành phố dù chưa được địa phương phê duyệt Đề án, nhưng căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương đã vào cuộc, đã có nhận thức, có trách nhiệm nên đã có những kết quả. Trong khi đó, cũng có tỉnh/thành phố mặc dù đã được tỉnh quan tâm, đầu tư, phê duyệt Đề án những hầu như chưa có kết quả được ghi nhận.

Do đó, theo Ban Quản lý Đề án 818, để thực hiện Đề án 818 đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đề nghị những tỉnh/thành phố chưa xây dựng và đang trình phê duyệt cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện để tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa theo tinh thần văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tạo sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội cũng như của người dân về vai trò, tầm quan trọng của xã hội hóa trong công tác dân số, chăm sóc SKSS đồng thời báo cáo các cấp có thẩm quyền để huy động các nguồn lực cho việc thực hiện Đề án tại địa phương.

Ngoài ra, phối hợp với Trung ương và chủ động triển khai các hoạt động của Đề án đạt kết quả tốt; đảm bảo việc phân phối sản phẩm, thanh quyết toán, tránh để hư, hỏng sản phẩm, tồn đọng nợ. Hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo việc thực hiện Đề án theo quy định.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tang-cuong-su-vao-cuoc-cua-cac-cap-uy-chinh-quyen-tao-su-dong-thuan-ve-xa-hoi-hoa-phuong-tien-tranh-thai-172211208064141629.htm