Tăng cường sức chiến đấu của Đảng trong lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp giai đoạn hiện nay

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

Những khó khăn, vướng mắc

Bổ nhiệm sai cán bộ ở một số nơi được xem là mối nguy lớn đối với địa phương, đất nước và toàn xã hội. Bởi nó chính là nguồn gốc, nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực; làm suy yếu tổ chức; khiến quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên bức xúc, chán nản, rơi vào tình trạng “biết mà không nói được” hoặc “nói không ai nghe” mà còn bị để ý, trù dập, từ đó dẫn tới mất niềm tin, im lặng để an phận thủ thường...

Để khắc phục những “lỗ hổng” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thời gian vừa qua, tại nhiều cơ quan từ Trung ương tới các địa phương đã tiến hành thi tuyển với chức danh lãnh đạo cấp huyện, phòng, ban thuộc sở, ngành... Như vậy có thể nói cách nhìn nhận về công tác cán bộ một số nơi trên cả nước đã có thêm một cách để chọn được những người đủ năng lực, trí tuệ, đủ tâm và tầm phục vụ công việc giúp chọn được những người có tài, năng lực và tránh được những tiêu cực trong bổ nhiệm người nhà, người thân “làm quan”.

Những năm qua, công tác xây dựng đảng trên địa bàn tỉnh đã “bám sát cơ sở, xác định trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành Đề án 999 với mục tiêu trọng tâm 4 tăng, 4 giảm. Tỉnh đã tổ chức triển khai quyết liệt bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tính đồng thuận cao. Sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã giảm 138 đầu mối cấp phòng, 210 lãnh đạo các cấp và 1.845 biên chế; các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 3 đơn vị cấp tỉnh. 21 đơn vị thuộc sở, 40 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện”1.

Mặc dù hiện nay các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo chưa thống nhất; quy định về quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy lãnh đạo với nhiều bước được kiểm soát chặt chẽ, với nhiều chủ thể tham gia đã góp phần tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần chống chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, khi thực hiện còn nhiều vướng mắc, đó là các quy định pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trung ương còn thiếu các công cụ đánh giá về năng lực công tác hoặc kinh nghiệm của người được bổ nhiệm. Hơn nữa, một số quy định pháp luật chưa thật sự đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý nên khi có hành vi vi phạm xảy ra khó xác định trách nhiệm thuộc về cá nhân người đứng đầu hay tập thể. Mặt khác, trên thực tế khi quy trình bổ nhiệm có quá nhiều người tham gia và kết quả là khi xảy ra sai sót sẽ không có ai chịu trách nhiệm cá nhân, mà là “cộng đồng trách nhiệm” quy về tập thể. Từ đó quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý đã dần lộ rõ những chế tài chưa hợp lý, dẫn tới chưa lựa chọn được đúng người, dùng vào đúng việc, chưa tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy hết năng lực, sở trường khi được bổ nhiệm.

Ngoài ra, các quy định về đánh giá người được bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức lãnh đạo trên cả nước từ Trung ương tới các địa phương chưa cụ thể, chưa sát thực tế của từng lĩnh vực công tác. Các quy định này còn nặng nề thành tích và văn bằng chứng chỉ, chưa chú trọng nhiều đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau giữa quy định của Đảng với quy định của Nhà nước, việc đánh giá ở một số nơi còn dựa trên tình cảm, chung chung với nhau, thậm chí có tình trạng nể nang. Như vậy, những tồn tại, bất cập, hạn chế về thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Phước hiện nay nói riêng là do nhiều nguyên nhân.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, Tỉnh ủy Bình Phước đã lãnh đạo chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng thời gian, thời điểm để giải quyết có hiệu quả những vấn đề lớn, quan trọng bắt đầu từ công tác cán bộ.

Bảo đảm thực hiện các quy định về bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ngày càng nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác cán bộ và công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo các đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương phải khẩn trương lãnh đạo khắc phục những tồn tại, bất cập sau:

Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và các địa phương tham mưu Tỉnh ủy khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa nội dung và nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác cán bộ (được quy định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền) và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo để Tỉnh ủy sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất, kịp thời và đầy đủ các hình thức trách nhiệm trên địa bàn toàn tỉnh.

Các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ khẩn trương tham mưu Tỉnh ủy văn bản mới quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức bổ sung nguyên tắc phân định rõ hơn thẩm quyền của cá nhân người đứng đầu với thẩm quyền của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương để cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cụ thể hóa bổ sung nguyên tắc xử lý sai phạm trong công tác cán bộ đối với người đứng đầu và cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu về công tác cán bộ căn cứ theo các quy định của Đảng và Nhà nước hiện hành.

Trong phạm vi thẩm quyền phân cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh ban hành các tiêu chí cụ thể phù hợp với các nhóm đối tượng cán bộ, công chức được bổ nhiệm vào các vị trí tương ứng. Cần quy định rõ ràng trình tự, thủ tục; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bổ nhiệm, tăng cường kiểm soát chặt chẽ quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo gắn với cơ chế phân định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm giữa người đứng đầu với cấp ủy; giữa cá nhân người đứng đầu với tập thể cơ quan, đơn vị trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.

Thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về trách nhiệm giải trình, kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo. Cơ quan có thẩm quyền phải xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu bổ nhiệm trước khi tiến hành làm quy trình bổ nhiệm, cần phải xem đây là điều kiện về hồ sơ bổ nhiệm cán bộ, công chức. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu với tập thể cơ quan, đơn vị trên nguyên tắc đề cao trách nhiệm, quyền hạn gắn với trách nhiệm theo chế độ cá nhân thủ trưởng chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về đánh giá, thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị từ khâu chuẩn bị hồ sơ, tiến hành làm quy trình bổ nhiệm cán bộ, đúng, đầy đủ các bước trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước của quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Đảng bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền các cấp, đơn vị, địa phương phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động thực hiện quy định về bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy định về đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, cơ quan, người có thẩm quyền phải nhanh chóng kiểm tra, thanh tra và thu hồi quyết định bổ nhiệm không đúng; đồng thời tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…”, Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử… Để bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, chính xác và gắn trách nhiệm cụ thể đối với việc phát hiện, đánh giá cán bộ, dựa trên những quy định về tiêu chuẩn của từng chức danh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Nghiên cứu kỹ để chọn thời điểm thích hợp tham mưu Tỉnh ủy thực hiện thí điểm việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16-1-2017, của Văn phòng Trung ương Đảng, việc tổ chức thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” để phát hiện, thu hút, trọng dụng được những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng; tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh. Từng bước khắc phục, hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan đảng, nhà nước từ tỉnh đến các địa phương…

Căn cứ các quy định của Trung ương tập trung xây dựng các tiêu chí, quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ thật chặt chẽ, khách quan, toàn diện để áp dụng chung trong tỉnh. Có như vậy mới lựa chọn đúng cán bộ cho từng vị trí, chức danh, nhất là các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương…, khắc phục tình trạng “đúng quy trình nhưng không đúng người”. Bên cạnh những quy định, tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, đảng viên, cần cụ thể hóa, chi tiết hóa những quy định về đánh giá, bổ nhiệm sao cho sát hợp với chức năng, chức trách, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị, bằng văn bản có tính pháp lý. Như vậy sẽ giúp tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng cán bộ có cơ sở để tiến hành đánh giá, bổ nhiệm cán bộ được khách quan, toàn diện, không bị lợi dụng bởi ý đồ của tổ chức hay cá nhân có thẩm quyền nào.

1Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930-2020), tr.581

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/134115/tang-cuong-suc-chien-dau-cua-dang-trong-lua-chon-bo-nhiem-can-bo-lanh-dao-cac-cap-giai-doan-hien-nay