Tăng cường thanh, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố
Trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, thành phố Hà Nội đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các đơn vị đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm pháp luật, nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động.
Sáng nay, 29/4, tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2021 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.
Dự lễ phát động có Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng, đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng và hơn 400 người lao động đại diện cho hàng triệu công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn Hà Nội.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 250.000 doanh nghiệp, hơn 1.300 làng nghề truyền thống đang hoạt động, với hơn 3,8 triệu lao động đang làm việc; nhiều công trình xây dựng đang thi công, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động. Nhằm kiểm soát nguy cơ, các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền để người lao động cũng như người sử dụng nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn lao động; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp.
Năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 388 vụ tai nạn lao động, làm 402 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) tăng 13 vụ so với năm 2019. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn lao động. Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng với 45,6% tổng số việc, tiếp đến là lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, lắp ráp linh kiện… Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và do người lao động chủ quan, lơ là…
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, vệ sinh lao động, thành phố Hà Nội phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 trên phạm vi toàn thành phố, diễn ra từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/5. Dịp này, 30/30 quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và yêu cầu mọi người, mọi nhà, mọi ngành chung tay thực hiện.
Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu, các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tăng cường xây dựng văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc. Cùng đó, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động kiểm định các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động; đo kiểm tra môi trường lao động; khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác đảm bảo An toàn vệ sinh lao động, thành phố Hà Nội cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các đơn vị đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm pháp luật, nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động.
Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng 16 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động năm 2020.