Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng

Cho rằng 'sức khỏe' của doanh nghiệp đang rất đáng báo động và chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, các đại biểu tại phiên thảo luận chuyên đề 1 nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả. Vì vậy, để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cần phải có các mức ưu đãi khác nhau đối với các loại sản phẩm khác nhau.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn:
“Sức khỏe” của doanh nghiệp đáng báo động

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp 6 rào cản, khó khăn lớn.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn. Ảnh: Hồ Long

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn. Ảnh: Hồ Long

Thứ nhất, chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua.

Thứ hai, một khó khăn truyền thống như: việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Kết quả điều tra của VCCI và một số tổ chức cho thấy, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Điểm tích cực là mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm đáng kể từ sau quý I.2023 nhờ những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tăng trưởng tín dụng bắt đầu nhích tăng kể từ tháng 6.2023.

Thứ ba, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Rào cản về chi phí kinh doanh cao làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế.

Thứ tư, chất lượng các quy định pháp luật cũng ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật.

Thứ năm, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. So với doanh nghiệp các nước khác thì các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả. Để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cần phải có các mức ưu đãi khác nhau đối với các loại sản phẩm khác nhau…

Thứ sáu, doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới. Các cơ quan Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để nhiều quy định quản lý dịch vụ trên mạng trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này. Điều này gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải:
Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại

Trong chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công thương, ngoài những chính sách mang tính chất vĩ mô thì Bộ cũng hết sức đến các hoạt động cụ thể, thiết thực đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Hồ Long

Nhiều ý kiến cho rằng, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn như tại thời điểm hiện nay và đặc biệt là từ đầu năm 2023, thậm chí khó khăn hơn trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19. Còn đối với những doanh nghiệp cả về xuất nhập khẩu hay kinh doanh nội địa thì khó khăn nhất là về thị trường, cụ thể là đầu ra.

Như chúng ta đã biết, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nền kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển nhất là những thị trường Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Mặt khác, do dịch Covid-19, lượng hàng tồn kho ở các thị trường này rất cao, khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hóa của những thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp cụ thể như: thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới nhất là sự điều chỉnh chính sách tại các thị trường lớn mà Việt Nam đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra những cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ để có biện pháp ứng phó.

Bộ Công thương cũng đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, điểm ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do; mời các doanh nghiệp lớn trên thế giới kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa. Đối với các thị trường khác như Trung Quốc, Châu Phi, Bộ Công thương cũng đã có kế hoạch xúc tiến thương mại vào các thị trường này.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành cơ quan địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, dựa trên nhu cầu và kiến nghị của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực trong đẩy mạnh kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất khẩu nói riêng.

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) Lê Hồng Thủy Tiên:
Doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách đột phá để vượt khó

Để vượt qua những “cơn sóng ngược” hiện nay, doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách đột phá, để tăng cường nội lực và vượt khó. Trong đó, đối với các chính sách tín dụng có thể thấy, dù đã có nhiều kiến nghị và nhiều giải pháp được kịp thời đưa ra, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Lãi suất cho vay sau 4 lần điều chỉnh, hiện đang giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Do vậy, cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp; có một cơ quan độc lập, đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp, để điều chỉnh các hỗ trợ sắp tới một cách thiết thực và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần dỡ bỏ các rào cản cho doanh nghiệp thông qua thực hiện rà soát lại những quy định thiếu thực tế, không đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) Lê Hồng Thủy Tiên. Ảnh: Hồ Long

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) Lê Hồng Thủy Tiên. Ảnh: Hồ Long

Để kích cầu du lịch, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng chính sách thương mại trong khu phi thuế quan. Khi nói đến chính sách này đa số ban ngành đều “tránh né” vì sợ thất thu thuế, nhưng không tự nhiên trên thế giới đang có 5.383 khu thương mại tự do và phi thuế quan, riêng Châu Á có 4.052 khu, ... Nổi bật là Jeju (Hàn Quốc) và Hải Nam (Trung Quốc). Các chính sách ưu đãi của họ đã chứng minh Chính phủ không thất thu thuế, mà còn được lợi, vì tăng trưởng đầu tư, do khách du lịch đến chữa trị y tế, giáo dục, vui chơi, mua sắm. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cho thực hiện mô hình factory outlet (trung tâm bán hàng giảm giá) trong khu phi thuế quan, để thu hút du khách trong ngoài nước. Nếu mở được ở nước ta thì đây sẽ là mô hình đầu tiên trong khu vực, thu hút và giữ ngoại tệ, có thể thúc đẩy ngành du lịch có bước nhảy vượt bậc.

Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp mở các cửa hàng miễn thuế dưới phố, các khu miễn thuế tại khu trung tâm các thành phố lớn sẽ giúp thành phố phát triển thương mại giá trị cao và quảng bá sản phẩm của địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch và thu hút khách du lịch. Có chính sách để tạo điều kiện triển khai áp dụng mô hình trung tâm tài chính ở nước ta, trong đó trước mắt có thể thí điểm triển khai mở Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như được đào tạo chuyển giao nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao… Ngoài ra, trung tâm tài chính cũng có thể thúc đẩy phát triển các ngành liên quan như bất động sản, vui chơi giải trí, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn diện cho thành phố.

Minh Trang - Lê Bình ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tang-cuong-thu-hut-dau-tu-vao-cac-nganh-tao-ra-nhieu-gia-tri-gia-tang-i343517/