Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 15/4, UBND tỉnh đã có Công văn số 2305 yêu cầu các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 như sau:
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về các nội dung quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền, phổ biến các nội dung về đạo đức công vụ, những việc công chức, viên chức không được làm. Đặc biệt, cần nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật, nhất là trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, quy chế làm việc và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, điều tra, thi hành án, thuế, quản lý thị trường... Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cũng như phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, địa phương, đơn vị mình thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND, UBND tỉnh và trước pháp luật.
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, tin báo tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, khách quan, đúng quy định. Phải bảo vệ người tố cáo và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ người tố cáo và công khai kết quả xử lý. Thực hiện nghiêm túc và phát huy cơ chế tập trung, dân chủ; rà soát và có quy chế phối hợp với Ủy ban MTTQVN cùng cấp, các tổ chức thành viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tiếp thu và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên... Trên cơ sở đó, làm cơ sở loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, “làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, công khai và minh bạch các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện có hiệu quả, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử (chính quyền điện tử). Nghiêm túc thực hiện tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; triển khai thực hiện các kênh đối thoại, kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua đường dây nóng và hộp thư điện tử của tỉnh. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các nội dung trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiêm túc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, đúng đối tượng và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác theo kế hoạch đề ra. Đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút, mức độ hài lòng của người dân không cao thì thực hiện điều chuyển vị trí công tác khác. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn gắn với công tác phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nội dung, lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; giao đất, cho thuê đất công; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; quản lý trật tự xây dựng, xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng tài chính; công tác tổ chức, cán bộ... Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng từ năm 2020 chuyển sang và các vụ việc phát sinh mới trong năm 2021 với nguyên tắc “tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng. Kiên quyết xử lý những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc xử lý hành vi tham nhũng. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.