Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Nhiều chuyển biến tích cực
Dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại một trường tiểu học - Ảnh: HÀ MY
Sau ba năm triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020, việc dạy và học tiếng Việt đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bằng những giải pháp cụ thể, các trường đã giúp học sinh DTTS ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập và giao tiếp tốt tiếng Việt.
Học sinh tự tin hơn
Năm học 2018-2019 vừa qua, Trường tiểu học Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) có 690 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm gần 50%. Kết thúc năm học, trường có hơn 99% học sinh hoàn thành chương trình tiếng Việt.
Để giúp học sinh DTTS 5 tuổi làm quen với tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1, từ hè năm 2018, nhà trường đã tổ chức 6 lớp dạy tiếng Việt cho trẻ. Bộ tài liệu giảng dạy với 30 bài học và tập tranh tương ứng, được Sở GD-ĐT tỉnh biên tập theo hướng tinh gọn từ bộ tài liệu 60 bài phục vụ đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn của Bộ GD-ĐT, cho nên rất súc tích, dễ hiểu.
Bên cạnh cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt, tự học tiếng DTTS phục vụ công tác giảng dạy; sử dụng nhiều đồ dùng trực quan trong dạy học; nhà trường còn khuyến khích học sinh DTTS giao tiếp bằng tiếng Việt ở trường và khi về nhà; tăng cường thời lượng dạy đọc, viết tiếng Việt; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt để thu hút các em tham gia. Nhờ đó, học sinh DTTS mạnh dạn hơn trong giao tiếp, chất lượng dạy và học cũng được nâng cao.
Có dịp tham dự một tiết học tiếng Việt của các học sinh lớp 1D Điểm trường thôn Tân Lập thuộc Trường tiểu học Suối Bạc, chúng tôi rất phấn khởi vì học sinh DTTS của trường đã dạn dĩ và tự tin hơn trong giao tiếp.
Được hỏi, em Y Thái nói mạch lạc: “Con thích đi học lắm! Đi học có bạn, có cô giáo, vui hơn ở nhà”. Theo cô giáo chủ nhiệm Trương Thị Hương cho biết, cô tham gia dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS được 3 năm. So với thời điểm mới bắt đầu triển khai đề án, học sinh lớp 1 khi đó còn rụt rè, hỏi không nói, thì bây giờ các em đã dạn dĩ hơn, tiếp thu bài nhanh và tốt hơn. Đó là nhờ từ hè trước khi vào lớp 1, các em đã được học tiếng Việt, cho nên sớm nhận diện được các chữ cái, biết cách cầm bút, ngồi học, viết đúng tư thế, có nề nếp học tập.
Tại Trường tiểu học Xuân Lãnh 2 (huyện Đồng Xuân), nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, chất lượng dạy và học tiếng Việt đối với học sinh DTTS của nhà trường cũng đã có nhiều chuyển biến. Cuối năm học 2018-2019, hơn 98% học sinh hoàn thành chương trình lớp học.
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Kim Tiến cho hay: “Với hơn 70% học sinh là người DTTS, nhà trường tạo môi trường học tập rất thân thiện với các em. Trong quá trình học, chúng tôi không đặt nặng điểm số mà động viên các em bằng cách khen thưởng những bông hoa học tốt và khích lệ các em khác. Nhờ đó, học sinh đến lớp đều hơn, chịu khó đọc bài nhiều hơn, việc tăng cường tiếng Việt hiệu quả hơn”.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Là địa phương có 13 DTTS chung sống, với tỉ lệ người DTTS chiếm gần 35% dân số, huyện Sơn Hòa đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Theo ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, việc nhiều trẻ em DTTS không nói được tiếng Việt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em, cũng như chất lượng giáo dục của địa phương. Vì vậy, ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trường học có học sinh DTTS triển khai thực hiện đề án; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng tăng cường tiếng Việt.
“Huyện đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt, dạy tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 vào tháng 8 hàng năm; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Đồng thời chỉ đạo các trường tăng thời lượng phụ đạo cho các học sinh yếu về tiếng Việt; đổi mới phương pháp dạy học; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Giao lưu Tiếng Việt của chúng em, thi kể chuyện, phát thanh chương trình măng non, giao lưu văn nghệ… Nhờ đó, chất lượng học sinh học môn Tiếng Việt được nâng cao rõ rệt, nhiều em học sinh người đồng bào DTTS tự tin trong học tập và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt”, ông Hoàng Vũ Anh chia sẻ thêm.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên) cho rằng, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục tỉnh trong thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong năm học 2018-2019 vừa qua, đó là đã xây dựng, nghiệm thu và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1”.
Bộ tài liệu này được đưa vào giảng dạy đã giúp việc dạy học của giáo viên thuận lợi hơn, góp phần trang bị nền tảng kiến thức cho học sinh DTTS, giúp các em dễ dàng tiếp thu bài hơn khi bước vào lớp 1.
“Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, nhiều trẻ em đồng bào DTTS đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ, có thể sử dụng tiếng Việt. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục DTTS cũng từng bước được cải thiện rõ rệt.
Trong hè năm 2019, sở sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn giáo viên trong đề án về việc giảng dạy Bộ tài liệu, xây dựng kế hoạch bài học, tổ chức các hoạt động trên lớp... đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS”, ông Hiệp thông tin.