Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên (Kiên Giang) tổ chức hội nghị giao lưu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyên đề 'Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non dân tộc thiểu số' cụm chuyên môn số 3 tại Trường Mầm non thị trấn Thứ Ba. Đây là trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang chọn tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh.

Các đại biểu đã dự giờ 2 hoạt động tích hợp chuyên đề, tham quan mô hình hoạt động ngoài lớp học và các sân chơi giáo dục ngoài trời do các trường trong huyện An Biên tổ chức.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu cùng trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và đóng góp ý kiến về tổ chức hoạt động dạy học, góp phần nâng cao hiệu quả chuyên đề tại cơ sở.

Tiết học tích hợp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non dân tộc thiểu số với đề tài làm quen với chữ cái s và x do cô Lê Thị Tím và cô Danh Thị Yến Linh thực hiện.
Thực hiện chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non dân tộc thiểu số”, trong 5 năm (2021-2025), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên đã tổ chức 2 đợt tập huấn chuyên đề cho 287 lượt cán bộ, giáo viên mầm non; tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn thu hút 150 đại biểu tham dự tại Trường Mầm non xã Đông Yên, góp phần lan tỏa hiệu quả mô hình trên toàn huyện.
Các cơ sở giáo dục mầm non huyện An Biên xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc thù ngôn ngữ, văn hóa vùng dân tộc thiểu số, chú trọng phát triển kỹ năng nghe, nói, làm quen đọc, viết cho trẻ. Huyện phát triển học liệu song ngữ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ với phần mềm, trò chơi học tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ, góp phần tạo cơ hội học tập bình đẳng cho trẻ em dân tộc.
Phát biểu tại hội nghị, cô Phan Thu Hằng - Phó trưởng Phòng phụ trách giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đánh giá cao chất lượng các hoạt động chuyên đề và 2 tiết dạy minh họa tại Trường Mầm non thị trấn Thứ Ba; đồng thời cho rằng các trường mầm non và giáo viên trên địa bàn huyện An Biên đã nỗ lực, tạo điều kiện học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số, giúp các em tham gia các hoạt động học tập và trải nghiệm hiệu quả.
Phó trưởng Phòng phụ trách giáo dục mầm non Phan Thu Hằng mong các mô hình hoạt động hiệu quả sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng rãi, tạo sức bật để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.