Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số ở Nam Đông

Ngày 23/1, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nam Đông tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đề án 'Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2'.

Ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ người dân tộc thiểu số tại Nam Đông

Ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ người dân tộc thiểu số tại Nam Đông

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông, sau 1 năm thực hiện đề án, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đã được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, phù hợp theo độ tuổi. Các trường mầm non có trẻ em người dân tộc thiểu số đa số đều có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Trẻ em người dân tộc thiểu số ra lớp cao, đa số các cháu mạnh dạn, tự tin, có vốn tiếng Việt tốt để làm quen các môn khoa học, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1.

Về công tác đội ngũ, Phòng GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND huyện Nam Đông bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý, có năng lực chuyên môn tốt, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với nghề cho các trường có trẻ em mầm non là người dân tộc thiểu số. Phòng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non gắn với các nhiệm vụ “tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non trên cơ sở tiếng mẹ đẻ” cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non cốt cán đang công tác tại vùng khó, có trẻ em người dân tộc thiểu số. Đa số giáo viên người Kinh dạy trẻ ở vùng dân tộc thiểu số đều được tham gia học tiếng Cơ tu để biết thêm các từ thông dụng, có đủ khả năng để giao tiếp với người bản địa.

Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông tiếp tục bổ sung, thay thế, cung cấp các thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, sưu tầm tài liệu học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người dân tộc thiểu số phục vụ việc tăng cường tiếng Việt; tạo điều kiện cho giáo viên được bồi dưỡng và học tiếng dân tộc Cơ tu; chỉ đạo các trường mầm non phân công giáo viên là người dân tộc với giáo viên người Kinh để thuận tiện trong việc dạy trẻ. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn và phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người dân tộc thiểu số.

MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-mam-non-vung-dan-toc-thieu-so-o-nam-dong-137318.html