Tăng cường tiếng Việt - giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học vùng núi

Với đặc thù về số lượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số, việc tăng cường tiếng Việt được coi là 'chìa khóa' quan trọng trong công tác giáo dục vùng núi của tỉnh. Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Đakrông luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học trên địa bàn.

 Học sinh đồng bào DTTS ở vùng núi được tăng cường dạy tiếng Việt trong nhà trường - Ảnh: H.V.A

Học sinh đồng bào DTTS ở vùng núi được tăng cường dạy tiếng Việt trong nhà trường - Ảnh: H.V.A

Đối với giáo dục tiểu học, tính đến cuối học kì I, năm học 2021 - 2022, toàn huyện Đakrông có 5.512 học sinh, trong đó có 4.573 học sinh đồng bào DTTS, với tỉ lệ 82,96%. Học sinh lớp 1 có tổng số 1.249 em, trong đó có 1.048 em là đồng bào DTTS, với tỉ lệ 83,9%. Vì vậy, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong các nhà trường. Trẻ em đồng bào DTTS khi ở nhà chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, khi đến trường, thầy cô giáo nói tiếng Việt, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng Việt. Học sinh tiểu học do không biết hoặc biết ít tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn khi học ở lớp học. Đặc biệt, khi vào lớp 1, vốn tiếng Việt của trẻ ít, trẻ chỉ có khả năng nghe, nói được những câu ngắn, đơn giản, hay phát âm sai hoặc thiếu thanh điệu nên việc học tập cũng như tham gia hoạt động ở lớp, ở trường hạn chế. Những rào cản về mặt ngôn ngữ khiến trẻ càng thêm nhút nhát, rụt rè, không tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục.

Trước thực tế đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh người đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ trong các trường học ở Đakrông với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhiều trường đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh học sinh hiểu được ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho con em đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Ngành giáo dục và đào tạo huyện Đakrông tích cực chỉ đạo các nhà trường linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động giáo dục theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm; tạo điều kiện cho học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt khi đến trường, xây dựng không gian phòng học tại các lớp giàu chữ viết tiếng Việt để giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với tiếng Việt, tổ chức các hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt.

Bên cạnh đó, thực hiện tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt trong giờ học chính khóa, khuyến khích giáo viên tạo điều kiện cho học sinh được giao tiếp, học tập nhiều hơn bằng tiếng Việt trong mỗi giờ học; tổ chức dạy theo nhóm đặc thù, hoạt động ngoại khóa, trò chơi, đóng vai trong phân môn kể chuyện, sân khấu hóa nhiều bài học với mục đích tạo môi trường thân thiện để khuyến khích các em giao lưu, thực hành tiếng Việt.

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đã được triển khai đồng bộ và áp dụng nhiều phương pháp dạy học phù hợp nhằm đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Bên cạnh đó, phong trào giữ vở sạch, viết chữ đẹp trong học sinh được nhiều trường học quan tâm chỉ đạo và tổ chức các hoạt động đa dạng, sinh động góp phần tăng cường tiếng Việt và giáo dục nhân cách cho học sinh với tinh thần “Nét chữ, nết người”.

Nhiều giáo viên đã thường xuyên chú trọng đến việc chỉnh sửa lỗi phát âm, sai thanh điệu khi nói và lỗi chính tả, dấu câu khi viết cho học sinh. Đặc biệt, ngày hội giao lưu tiếng Việt cho học sinh người DTTS được tổ chức thường niên từ cấp trường đến cấp huyện và tham gia giao lưu cấp tỉnh. Học sinh tham gia ngày hội sẽ được giao lưu với các nội dung: Khởi động; đọc hiểu văn bản; giao lưu văn nghệ và trò chơi tăng cường tiếng Việt. Ngày hội giao lưu tiếng Việt học sinh đồng bào DTTS hằng năm thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, là môi trường giáo dục tích cực, thân thiện, góp phần thực hiện các chính sách dành cho đồng bào DTTS và là cơ hội cho học sinh đồng bào DTTS giao lưu, mở rộng môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt, nhằm xóa rào cản giữa ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ.

Ngoài hoạt động chuyên môn, việc đầu tư các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học thường xuyên được chú trọng góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng cường tiếng Việt cho học sinh đồng bào DTTS. Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt cho học sinh đối với đội ngũ giáo viên đứng lớp phù hợp với thực tế ở từng nhà trường và từng địa phương.

Từ ý nghĩa của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh đồng bào DTTS cùng với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện Đakrông xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh. Tuyên truyền, vận động các gia đình tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền đi học của trẻ, đến lớp chuyên cần, tăng cường sử dụng tiếng Việt ở gia đình và cộng đồng, để góp phần “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học vùng núi.

Phan Văn Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165536&title=tang-cuong-tieng-viet--giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-tieu-hoc-vung-nui