Tăng cường tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ trong bối cảnh đại dịch

Đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng giới và tình trạng bạo lực với phụ nữ. Tình trạng mất việc làm, giảm/mất thu nhập cùng với sự lo lắng, sợ hãi về virus đã làm gia tăng căng thẳng cho các hộ gia đình, dẫn đến các vụ bạo lực đối với phụ nữ.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ và phòng, chống bạo lực trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Hội thảo do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam tổ chức vào chiều 13/12, tại Hà Nội.

Chính sách an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng, là điểm tựa cho người dân, nhất là những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật… Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách giới nhất định trong tiếp cận chính sách với những bất lợi nghiêng về phụ nữ. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài tư vấn của Ngôi nhà Bình yên (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng 140% so năm 2020, trong đó hơn 1.000 cuộc gọi của phụ nữ báo bị bạo lực; 74 người hiện tạm trú tại Nhà bình yên, tăng 120% so năm 2020.

Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 đã được ban hành, trong đó, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được quan tâm. Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Với các cấp độ khác nhau, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động năm 2021 theo hướng vừa đề xuất chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ nhằm thúc đẩy tăng quyền năng của phụ nữ, vừa thực hiện các hoạt động chăm lo trực tiếp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi Covid-19: đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hoạt động đối thoại với phụ nữ nhằm truyền thông, vận động mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội tại một số địa phương.

Ông André Gama, Giám đốc chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua, đại dịch đã làm bộc lộ và trầm trọng những thách thức vốn có, như: Bất bình đẳng và đói nghèo; bộc lộ những khoảng trống về diện bao phủ, mức hưởng và tính toàn diện của an sinh xã hội. Đặc biệt, người lao động trong khu vực phi chính thức thiếu tiếp cận đến an sinh xã hội… Trong thời gian tới, khi Việt Nam điều chỉnh các phương án chính sách thì cần lưu ý mở rộng diện bao phủ; tăng tính liên kết giữa các tầng an sinh xã hội (trợ giúp xã hội và bảo hiểm xã hội); cải thiện mức hưởng; tăng cường tính bình đẳng và hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương; đầu tư nhiều hơn cho an sinh xã hội…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tác động của Covid-19 đến an sinh xã hội và các nhóm dân số dễ bị tổn thương; chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới…; đề xuất các giải pháp giảm tác động tiêu cực của Covid-19 đối với phụ nữ, góp phần thúc đẩy tăng quyền năng cho phụ nữ và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trong đó, thúc đẩy bình đẳng giới thông qua vận động xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, gợi mở những ý tưởng, giải pháp để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và tham gia xây dựng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/tang-cuong-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-cho-phu-nu-trong-boi-canh-dai-dich-678065/