Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng rừng của đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 30/10, Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), các tổ chức thực hiện dự án 'Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng rừng của đồng bào dân tộc thiểu số' phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo sơ kết 1 năm hoạt động dự án.
Tham dự hội nghị có đại diện Vụ Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Cộng đồng tham gia quản lý rừng
Dự án "Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng rừng của đồng bào dân tộc thiểu số" do Cộng đồng chung châu Âu (EU) tài trợ từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2023, được triển khai bởi các Tổ chức CISDOMA, OXFAM, CEGORN, CRD tại 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum.
Mục tiêu của dự án là góp phần tăng cường tiếp cận quản lý và sử dụng khoảng 1.500 ha đất và rừng có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp nhà nước bàn giao lại cho địa phương để giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số; xây dựng và chia sẻ quy trình về giao đất, giao rừng có sự tham gia và lồng ghép giới. Dự án được thực hiện tại 2 huyện Văn Bàn, Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 500.000 Euro, tương đương 13 tỷ đồng.
Tại Lào Cai, dự án đã xác định được 6 cộng đồng với 642 hộ gia đình hưởng lợi tại 3 xã, gồm: Tân Tiến (Bảo Yên), Khánh Yên Thượng và Chiềng Ken (Văn Bàn) với tổng diện tích khoảng 400 ha; trong đó, tại Văn Bàn đã thành lập được 3 ban quản lý rừng cộng đồng với 23 thành viên; tại huyện Bảo Yên đã thành lập được 3 ban quản lý rừng cộng đồng với 21 thành viên. Hiện, đơn vị thực hiện dự án đang xây dựng các điều khoản tham chiếu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn đơn vị tư vấn.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, thu thập dữ liệu về diện tích đất thuộc các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước; tổ chức đối thoại giữa nhóm quản lý rừng cộng đồng, chính quyền các cấp về quy trình và các bước hoàn trả giao đất, giao rừng; thúc đẩy thảo luận cộng đồng về quyền lợi và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất được giao; xây dựng các kế hoạch quản lý đất và rừng bền vững…
Người dân phải được hưởng lợi từ rừng
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động của dự án và hiệu quả của dự án sau khi kết thúc các gói hỗ trợ. Theo Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, khó khăn hiện nay trong thực hiện dự án là quá trình thảo luận với các bên về diện tích đất và rừng để giao đúng mục tiêu của dự án mất rất nhiều thời gian. Tại huyện Bảo Yên, cơ chế chuyển giao hơn 200 ha đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên cho cộng đồng quản lý vẫn còn nhiều vướng mắc, trong khi đó tại Văn Bàn việc chồng chéo trong quản lý đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn và người dân vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Ông Nguyễn Tiến Luật, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên cho biết, người dân đồng thuận cao với chủ trương giao rừng cho cộng đồng, trước đây dù chưa được hưởng nguồn lợi trực tiếp từ rừng nhưng người dân đã rất có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Cả 3 thôn, bản trong diện thực hiện dự án đều mong muốn tham gia mô hình này, người dân cũng đang bàn thảo đưa nội dung quản lý khu vực rừng được giao vào hương ước thôn, bản. Ông Luật mong muốn dự án cần nghiên cứu giải pháp cụ thể tăng thu nhập cho người dân như chăn nuôi động vật bán hoang dã, đưa cây trồng phù hợp dưới tán rừng, phát triển nghề đan lát…, có thể nghiên cứu thí điểm giao cho hợp tác xã tại thôn, bản đó trực tiếp quản lý rừng.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, hệ thống các luật, quy định có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ giao đất, giao rừng. Ông Tô Mạnh Tiến cho rằng, để dự án hiệu quả cần xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, người dân được lợi ích gì, thẩm quyền xử lý xâm phạm rừng được giao cho cộng đồng ra sao, thực tế một số mô hình Lào Cai đang thí điểm thực hiện cộng đồng quản lý xử phạt theo hương ước rất tốt nhưng lại chưa có quy định pháp luật công nhận việc này.
Ông Tô Mạnh Tiến cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong thực hiện dự án này là hậu giao đất, giao rừng thì người dân được gì, tạo sinh kế gì cho người dân trong rừng, ngoài rừng thế nào; cần nghiên cứu, lồng ghép sử dụng nguồn lực, sử dụng kinh phí những nơi được hưởng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, kinh phí từ nhà tài trợ để phát triển kinh tế. Dự án cũng cần tư vấn cho các xã xây dựng kế hoạch sử dụng đất mới tiến hành giao đất được. Các xã cũng cần kết hợp thực hiện dự án để lập kế hoạch giao đất, chỗ nào nhà nước quản lý, chỗ nào tổ chức trả ra, chỗ nào giao cho cộng đồng…
Đồng tính với quan điểm trên, theo ông Phạm Quang Tú, đại diện OXFAM Việt Nam, để đảm bảo tính bền vững của dự án cần tăng cường năng lực cho người dân, phải tính đến sinh kế, kế hoạch sử dụng đất sau khi giao đất và rừng cho cộng đồng. Ông Trương Quốc Cần, Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi chia sẻ thêm, nếu địa phương có nền tảng là tổ quản lý bảo vệ rừng, hợp tác xã hoạt động hiệu quả thì dự án có thể phối hợp chuyển giao cho các tổ chức này quản lý rừng, quan trọng là đảm bảo quyền lợi của số đông cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận, hưởng lợi từ dự án.
Ông Triệu Văn Bình, Vụ phó Vụ Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thông tin thêm vấn đề quản lý đất nông, lâm trường quốc doanh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Quốc hội rất quan tâm. Những vướng mắc để thực hiện nội dung này liên quan đến Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai đang được các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu đưa vào chương trình nghị sự. Trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, vấn đề làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số sống, gắn bó với rừng, hưởng lợi từ rừng cũng là một nội dung trọng tâm. Ông Triệu Văn Bình khẳng định, Vụ Dân tộc sẽ luôn đồng hành với các địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để lắng nghe ý kiến người dân và phản ánh kịp thời đến các cơ quan soạn thảo chính sách...