Tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cần kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện trong quá trình xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục chương trình làm việc chiều 20.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, sau gần 7 năm thi hành, Nội quy Kỳ họp Quốc hội được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24.11.2015 (gọi tắt là Nội quy năm 2015) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung với những lý do chủ yếu sau đây: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nên Nội quy cần được xem xét sửa đổi, bổ sung; đồng thời cần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào Nội quy kỳ họp để bảo đảm tính chính trị, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính hợp lý, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao, cần được xem xét, bổ sung quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Nội quy Kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021; Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24.6.2021 của Đảng đoàn Quốc hội).
Hoàn thiện các quy định liên quan đến Kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ quy trình, thủ tục chặt chẽ, cụ thể, khoa học, hợp lý tại kỳ họp; những quy trình, thủ tục cụ thể liên quan đến kỳ họp đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ dẫn chiếu nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) cần kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện trong quá trình xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.
Kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm: Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội trong tổng thể đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; Khắc phục những tồn tại, bất cập của một số quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...); Nội quy hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay để áp dụng ổn định, thống nhất.
Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp này cũng phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với 4 mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội với 31nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu được nêu tại Kết luận số 848-KL/ĐĐQH15 ngày 5.8.2022 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nội quy kỳ họp.
Một trong những điểm mới, đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết là bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường. Theo đó, Quốc hội xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của các chủ thể được quy định tại Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp bất thường, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2, Điều 1 của dự thảo Nội quy kỳ họp. Việc ghi nhận nội dung này trong Nội quy kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội 2 năm vừa qua trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19 và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn trong khi số lượng ngày họp thực tế không tăng lên nhiều, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thực tiễn đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
+ Tiếp đó, Quốc hội họp riêng về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021 – 2026; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 – 2026.