Tăng cường tính tuân thủ pháp luật để bảo vệ người lao động

Đó là một trong 14 điểm mới trọng tâm của Luật Bảo hiểm xã hội - BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh Luật BHXH (sửa đổi) chú trọng tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. (Nguồn: Văn Giáp)

Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh Luật BHXH (sửa đổi) chú trọng tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. (Nguồn: Văn Giáp)

Tại cuộc họp báo ngày 30/7 của của Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhấn mạnh Luật BHXH (sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Với cấu trúc như vậy, Luật BHXH (sửa đổi) hướng tới việc tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Vi phạm các quy định pháp luật về BHXH là một thực tế đang diễn ra với tình trạng không ít doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Cùng ngày, Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã phối hợp cùng Liên đoàn Lao động và BHXH thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn thành phố”.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH là một khó khăn kéo dài nhiều năm mà chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết. Từ đó, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, thiếu niềm tin vào BHXH, khó mở rộng mạng lưới an sinh. Theo con số của BHXH TP HCM, đưa ra tại Hội nghị, hiện số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là gần 6.872 tỷ đồng.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý lao động, BHXH trên địa bàn TP HCM liên tục tổ chức thanh tra các đơn vị trốn đóng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan vì doanh nghiệp tìm mọi cách để né tránh. Tại Hội nghị, thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM cho biết từ năm 2020 đến nay, Công an thành phố tiếp nhận rất nhiều nguồn tin từ Cơ quan BHXH chuyển đến nhưng chưa khởi tố được vụ án nào, cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể, khó thu thập chứng cứ nên chưa thể xử lý hình sự hành vi này.

Từ thực tế này có thể thấy, việc Luật BHXH (sửa đổi) dành hẳn một chương để nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là rất cần thiết.

Cũng trong buổi họp báo ngày 30/7, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thị trường lao động cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023; cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp...

Với công tác người có công, tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%, là mức cao nhất trong 20 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.091.324 người với kinh phí ước khoảng hơn 16,104 nghìn tỷ đồng...

X.Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-cuong-tinh-tuan-thu-phap-luat-de-bao-ve-nguoi-lao-dong-post520196.html