Tăng cường trách nhiệm công tố để hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung

Nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, VKSND tỉnh Trà Vinh đã thực hiện báo cáo chuyên đề án hình sự bị hủy, sửa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó phân tích làm rõ nguyên nhân, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, bàn giải pháp để làm tốt hơn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trong giai đoạn tiếp theo.

Tại tỉnh Trà Vinh, trong năm 2020 và quý 1/2021, tổng số án hình sự Viện kiểm sát thụ lý là 596 vụ/880 bị can, số đã giải quyết 575 vụ/833 bị can; VKS trả hồ sơ để điều tra bổ sung 21 vụ/40 bị can, Tòa hủy án để điều tra lại 9 vụ/10 bị cáo. Từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022: Tòa trả hồ sơ 14 vụ/42 bị cáo, VKS trả 14 vụ/50 bị can. Các vụ án bị hủy để điều tra, xét xử lại này chủ yếu thuộc nhóm tội về trật tự xã hội, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là tội “Cố ý gây thương tích”, tiếp đến là tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

 Một hội nghị chuyên đề tại VKSND tỉnh Trà Vinh.

Một hội nghị chuyên đề tại VKSND tỉnh Trà Vinh.

Những vi phạm dẫn đến án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử của VKSND tỉnh Trà Vinh cho thấy, vi phạm chủ yếu và phổ biến dẫn tới việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án đó là: Vi phạm trong việc xác định tội danh (vụ Nguyễn Văn Cường, khởi tố tội “Giết người”, xảy ra tại huyện Cầu Kè); vi phạm trong khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định, định giá (vụ Huỳnh Minh Tâm, bị khởi tố tội “Giết người” và tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” xảy ra tại thành phố Trà Vinh); vi phạm do thu thập chứng cứ chưa đầy đủ (vụ Kim Thị Thang, tội “Cố ý gây thương tích”; vụ Nguyễn Thị Thanh Tâm, tội “Môi giới mại dâm”); có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm (vụ Nguyễn Hữu Thọ, tội “Cố ý gây thương tích”); có mâu thuẫn về lời khai nhưng không cho tiến hành đối chất (vụ Nguyễn Thị Kiều Tiên, tội “Cố ý gây thương tích”); vi phạm do không xem xét kỹ tiền sự (vụ Quảng Trọng Dũng, tội “Trộm cắp tài sản”)...

Bên cạnh đó, có các trường hợp Tòa án trả chưa đúng, chưa chính xác (như vụ Lê Văn Út, tội “Trộm cắp tài sản”); các trường hợp Tòa án trả do phát sinh tình tiết mới (vụ Thạch Ngọc Sang, phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” xảy ra ở huyện Trà Cú).

Những vi phạm dẫn đến hủy án

Những vi phạm chủ yếu và phổ biến dẫn tới việc Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại hoặc hủy án để xét xử lại tại tỉnh Trà Vinh thời gian qua là những vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, thể hiện ở các dạng:

Vi phạm trong việc hỏi cung, lấy lời khai, đối chất, như: lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng, người liên quan mâu thuẫn nhưng không cho đối chất làm rõ, dẫn đến thiếu căn cứ buộc tội, phải hủy án (như vụ án Nguyễn Thanh Tiền về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” xảy ra tại thị xã Duyên Hải.

Vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thực nghiệm điều tra, nhận dạng, điển hình như vụ Nguyễn Văn Thanh Nhanh phạm tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Càng Long.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và hành vi phạm tội (vụ án Trần Ngọc Quân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”); áp dụng thiếu tình tiết định khung (vụ Nguyễn Hoàng Tống Giang về tội “Làm nhục người khác”, xảy ra tại huyện Cầu Kè).

 Một hội nghị chuyên đề tại VKSND tỉnh Trà Vinh.

Một hội nghị chuyên đề tại VKSND tỉnh Trà Vinh.

Nhận diện nguyên nhân để khắc phục

Theo đánh giá của các đơn vị tại VKS hai cấp tỉnh Trà Vinh, nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế, thiếu sót có nhiều, nhưng đa số cho rằng do vụ án phức tạp, nhiều người tham gia, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, đối phó, khai báo không trung thực; lượng án nhiều nhưng biên chế Kiểm sát viên (KSV) chưa đáp ứng yêu cầu; quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, cụ thể nên việc áp dụng pháp luật còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ quan mang tính phổ biến ở các đơn vị là do KSV chưa kiểm sát chặt chẽ, chưa thường xuyên phối hợp với ĐTV trong quá trình điều tra nên không phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm của CQĐT để yêu cầu bổ sung, khắc phục; trước khi kết thúc điều tra, KSV chưa thực hiện nghiêm túc việc phối hợp với ĐTV để đánh giá chứng cứ theo quy định, từ đó phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối với các vụ án bị hủy, KSV chưa thực hiện đúng quy định của BLTTHS, Quy chế nghiệp vụ của Ngành, chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự và đánh giá chứng cứ còn nhiều thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại.

Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía KSV, cũng có những vụ án bị hủy xuất phát từ hoạt động xét xử của Tòa án, một số vụ án Tòa án cấp phúc thẩm hủy án không có căn cứ như vụ án Thạch Cường về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Những giải pháp nhằm hạn chế án bị hủy, trả điều tra bổ sung

Để khắc phục tốt những hạn chế, thiếu sót, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm và án bị sửa, hủy, trả điều tra bổ sung, theo VKSND tỉnh Trà Vinh, phải thực hiện thật tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Phải kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi CQĐT giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ ngay từ trước khi khởi tố vụ án hình sự và trong suốt quá trình điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.

Đối với KSV, phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, kỹ năng tham gia các hoạt động điều tra do ĐTV tiến hành và khả năng tự mình tiến hành một số hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ khi cần thiết, từ đó đề ra yêu cầu điều tra có chất lượng. Trước khi kết thúc điều tra, KSV và ĐTV phải kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ án và đánh giá kết quả thực hiện các yêu cầu điều tra của VKS. Đối với những yêu cầu chưa thực hiện hoặc nội dung cần phải điều tra bổ sung thì kiên quyết yêu cầu để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án.

Lãnh đạo đơn vị tập trung chỉ đạo KSV thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành ngay từ khi thụ lý nguồn tin về tội phạm cho đến khi giải quyết xong vụ việc, vụ án hình sự. Thực hiện tốt việc nghe báo cáo án, chỉ đạo về đường lối giải quyết vụ án, chỉ đạo cụ thể các yêu cầu nghiệp vụ mà KSV cần lưu ý khi tham gia phiên tòa. Sau mỗi phiên tòa, nếu KSV có sai sót thì lãnh đạo đơn vị kịp thời rút kinh nghiệm nghiêm túc, dân chủ.

Tăng cường quan hệ phối hợp giữa VKSND với CQĐT, TAND cùng cấp; Quan tâm, chú trọng đến công tác cán bộ; nêu cao ý thức tự rèn luyện của KSV; Tổ chức sơ kết, đánh giá hồ sơ, chứng cứ vụ án trước khi kết thúc điều tra và lập biên bản lưu hồ sơ nghiệp vụ theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 04/2018…

Trân Định - Phi Sơn

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/tang-cuong-trach-nhiem-cong-to-de-han-che-thap-nhat-viec-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-121869.html