Tăng cường trách nhiệm giải quyết khiếu nại đất đai của cán bộ các cấp
Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có chiều hướng gia tăng, bao gồm các nội dung việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, tồn tại trong quá trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Trong đó, có nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo đồng chí Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có chiều hướng gia tăng, bao gồm các nội dung việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, tồn tại trong quá trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Trong đó, có nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người như: vụ việc một số công dân ở Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đề nghị cấp giấy chứng nhận đất nhận khoán và cấp giấy chứng nhận đất ở không phải nộp tiền, vụ việc này đang chờ ý kiến trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường; vụ việc một số công dân xã Nam Mỹ (Nam Trực) tố cáo UBND xã vi phạm pháp luật về đất đai...
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai là nhiệm vụ thiết yếu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; giao Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, phân loại các vụ việc trên địa bàn để có phương án xử lý, giải quyết theo quy định. Hàng quý, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc trực tiếp với các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh để thống nhất chỉ đạo giải quyết đối với các vụ việc cụ thể. Trên cơ sở đó ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị có trách nhiệm giải quyết. Đối với những trường hợp phức tạp, đông người, tồn đọng hoặc vụ việc chậm được giải quyết, yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị có trách nhiệm cùng lãnh đạo tỉnh tham gia tiếp công dân đề nghị Bí thư Huyện ủy, Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết phản ánh của công dân trên địa bàn quản lý. Tỉnh duy trì hoạt động của Tổ công tác thường trực tiếp công dân do Thanh tra tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp với Ban tiếp công dân Trung ương và các cơ quan liên quan vận động, giải thích, thuyết phục đối với các trường hợp khiếu tố phức tạp đông người. Chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân gắn với giải quyết khiếu nại tố cáo, phản ánh của công dân. Tinh thần nỗ lực của các ngành, các địa phương là thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt của tỉnh thể hiện rõ sự thống nhất về ý chí và hành động, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai khó xử lý. Nguyên nhân là do nội dung các vụ việc phức tạp, diễn biến nhiều năm; có trường hợp chính người khiếu nại, tố cáo cũng thiếu tài liệu chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình. Hồ sơ địa chính liên quan đã qua nhiều thời kỳ, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa cập nhật biến động đất đai qua các thời kỳ. Diễn biến sử dụng đất qua nhiều chủ nhưng hồ sơ tài liệu chứng minh không đầy đủ; những người liên quan đến các vụ việc này thay đổi chỗ ở, đi làm ăn xa nên quá trình xác minh giải quyết gặp nhiều khó khăn. Chính sách đất đai qua các thời kỳ đã thay đổi nhiều, việc giải quyết các vụ việc tồn đọng phải áp dụng cả Luật Đất đai hiện hành và nhiều văn bản cũ. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế. Một số trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành quyết định đã giải quyết dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài vẫn phát sinh, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2019 của UBND tỉnh, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND các cấp, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế đối thoại bí thư cấp ủy với nhân dân; tăng cường chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, định kỳ tổ chức đối thoại với nhân dân ở cơ sở để thúc đẩy trách nhiệm giải trình, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm giải quyết công việc. Hiện, ngành Thanh tra đang tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai theo 3 hướng: Các vụ việc xác minh chưa đầy đủ sẽ tập trung xác minh, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đối thoại với người dân, ra văn bản giải quyết. Các vụ việc đã ra văn bản giải quyết và các văn bản đó đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, có lý có tình thì sẽ tổ chức đối thoại để người dân hiểu, chấp thuận. Các vụ việc qua rà soát nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì hướng dẫn để người dân khởi kiện tại tòa án nhân dân. Về lâu dài, để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, dân chủ trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai, các sở, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tuân thủ đúng pháp lý, đúng và đầy đủ nội dung chính sách; công khai đối thoại trực tiếp với người khiếu nại; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị về phương án giải quyết và kiên quyết cưỡng chế thực hiện phương án để đảm bảo kỷ cương pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết quan tâm kiện toàn tổ chức, cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn, bố trí người am hiểu pháp luật, có phong cách dân chủ, thân thiện tiếp công dân để đảm bảo hiệu quả, sức thuyết phục; tập trung tuyên truyền pháp luật đất đai, xây dựng và môi trường; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho nhân dân và cán bộ xã, phường, thị trấn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; về giá đất; quy định về giải quyết tranh chấp đất đai; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai ở 3 cấp; chú trọng kiểm soát việc thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai cho công dân, doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Đầu tư để hoàn thiện hệ thống dữ liệu hồ sơ địa chính ở các cấp, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đẩy mạnh hơn nữa việc công khai đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp biết để giám sát và thực hiện. Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các cấp; gắn kiểm tra đôn đốc với việc tổ chức thi hành quyết định, kết luận giải quyết có hiệu lực thi hành; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình không thụ lý, giải quyết theo quy định hoặc giải quyết thiếu khách quan, trung thực, không đúng quy định./.
Bài và ảnh: Thanhh Thúy