Tăng cường trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người tâm thần
Theo Sở LĐ-TB-XH, hiện số người bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng. Để việc chăm sóc, điều trị các đối tượng này thật sự hiệu quả rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, gia đình và người bệnh.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên luôn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, các giải pháp hữu hiệu để trợ giúp người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; truyền thông về công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng này. Đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi chính sách pháp luật đối với NTT, đảm bảo cho họ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách của Nhà nước kịp thời và đầy đủ.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết số NTT, rối nhiễu tâm trí trong toàn tỉnh khoảng 2.500 người. Những người này thường mắc chứng tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần nghiêm trọng, các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần (như: động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu và ma túy...). Tuy nhiên, với quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng cùng với các kỹ năng chăm sóc của cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội tại địa phương trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, NTT khi được chăm sóc tốt đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt, tái hòa nhập cộng đồng, xã hội.
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH phối hợp Trường đại học Lao động xã hội (Cơ sở II- TP Hồ Chí Minh) tổ chức các lớp hướng dẫn cách chăm sóc, giúp đỡ NTT cho cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội. Ông Hậu cho biết: Tham gia lớp học, hơn 100 học viên được các giảng viên hướng dẫn cách nhận biết đặc trưng tâm lý của một số rối loạn tâm thần và những can thiệp công tác xã hội cơ bản; quản lý trường hợp (ca) NTT, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng. Qua đợt tập huấn, học viên nắm được các kiến thức và cách xử lý tình huống can thiệp quản lý ca trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, sẵn sàng hợp tác với các ngành, đoàn thể có liên quan và gia đình để hỗ trợ người bị rối loạn tâm thần.
Chị Đỗ Thị Lan, cộng tác viên công tác xã hội huyện Phú Hòa, nói: Tôi làm công tác xã hội được 4 năm. Bảo trợ xã hội là nghề của lòng nhân ái, mang đến hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt những người yếu thế trong xã hội. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc và hướng dẫn các gia đình, người yếu thế, chúng tôi còn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người bệnh, chia sẻ, động viên, tư vấn, trợ giúp họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, giải quyết vấn đề gặp phải. Đặc biệt, tôi thấy việc học cách xử lý tình huống can thiệp NTT rất bổ ích, thiết thực. Lớp học giúp những người làm công tác xã hội ở cơ sở có thêm kỹ năng trong thực hiện các biện pháp giúp đỡ NTT, tạo sự thân thiện, tin tưởng để giúp người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng.
“Để công tác chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện cho những NTT thường đi lang thang cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng được tốt hơn, rất mong nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ của các cấp các ngành và những tấm lòng nhân ái, nhằm tạo một môi trường sống và chăm sóc NTT hiệu quả”, ông Đinh Viết Hậu nói.