Tăng cường truyền thông về xã hội hóa phương tiện tránh thai đến người dân tại Yên Bái

Để xã hội hóa phương tiện tránh thai đến được với mọi tầng lớp nhân dân, trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác truyền thông như cung cấp tờ rơi, sách nhỏ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là cán bộ dân số, y tế cấp xã trực tiếp hoặc lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm tại mỗi hộ gia đình…

Bước đầu giúp thay đổi nhận thức của người dân

Năm 2015, Bộ Y tế ban hành Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" (Đề án 818).

Các chuyên gia nhận định, việc triển khai xã hội hóa các phương tiện tránh thai đang được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số nhằm đa dạng hóa các phương thức đáp ứng tốt hơn cho người dân về nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Tại Yên Bái, từ năm 2016, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường tại 7/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (hai huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải chưa triển khai).

Là một trong những đơn vị triển khai sớm chủ trương xã hội hóa phương tiện tránh thai trên địa bàn tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Đề án, chú trọng tuyên truyền đến các cặp vợ chồng để nâng cao nhận thức chấp nhận hưởng ứng xã hội hóa trong thực hiện các phương tiện tránh thai hiện đại.

Tuy nhiên, thời gian đầu, do vẫn còn tâm lý được bao cấp các loại phương tiện tránh thai, cùng với đó, giá thành các mặt hàng sản phẩm tiếp thị trong Đề án còn cao, chủng loại chưa hợp với nguyện vọng của đối tượng sử dụng (cao hơn so với các loại phương tiện tránh thai khác trên thị trường và khác chủng loại) nên chưa có đối tượng đăng ký sử dụng.

Cán bộ phụ trách công tác DS-KHHGĐ phát tờ rơi truyền thông chính sách dân số cho nhân dân thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh TL

Cán bộ phụ trách công tác DS-KHHGĐ phát tờ rơi truyền thông chính sách dân số cho nhân dân thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh TL

Để xã hội hóa phương tiện tránh thai đến được với mọi tầng lớp nhân dân, trong thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông như cung cấp tờ rơi, sách nhỏ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt là cán bộ dân số, y tế cấp xã trực tiếp hoặc lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm, vận động người dân tham gia tiếp thị xã hội dưới nhiều hình thức như tư vấn tại các hộ gia đình, tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm tại cộng đồng và các sinh hoạt tại khu dân cư … để thay đổi thói quen, thái độ, hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng các phương tiện tránh thai.

Theo đó, phần lớn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh nắm được tác dụng, ưu điểm, nhược điểm của các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là bao cao su và viên uống tránh thai, từ đó lựa chọn biện pháp sử dụng phù hợp. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên người dân đã dần chấp nhận và thay đổi thói quen từ kênh phương tiện miễn phí sang xã hội hóa các phương tiện tránh thai.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông

Bên cạnh kết quả đạt được, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vẫn còn hạn chế như nguồn cung cấp phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội tại một số thời điểm không ổn định, chưa liên tục, còn bị ngắt quãng nên khách hàng có khi phải dùng sản phẩm khác thay thế rồi không quay lại nữa; do thói quen sử dụng dịch vụ miễn phí của một bộ phận người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa chưa quen với việc chi trả.

Cùng với đó, do thay đổi về tổ chức bộ máy cán bộ DS-KHHGĐ tại cơ sở; kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai cũng còn hạn chế; thị trường tự do hiện có bán nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác có giá rẻ nên chưa triển khai được xã hội hóa phương tiện tránh thai trên địa bàn.

Để thực hiện xã hội hóa các phương tiện tránh thai trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thúc đẩy cung ứng phương tiện tránh thai chuyển dần từ cấp miễn phí sang tiếp thị xã hội, xã hội hóa.

Mở rộng các kênh cung ứng phương tiện tránh thai, tiến tới các phương tiện tránh thai phi lâm sàng được đối tượng chấp nhận thông qua các kênh tiếp thị xã hội, xã hội hóa.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo quản, vận chuyển, phân phối sản phẩm tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai bao cao su và viên uống tránh thai… để mọi người thấy được lợi ích và nghĩa vụ của mình khi cần sử dụng các biện pháp tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tang-cuong-truyen-thong-ve-xa-hoi-hoa-phuong-tien-tranh-thai-den-nguoi-dan-tai-yen-bai-172211211172239844.htm